Về tư cách của đương sự, Chi nhánh và văn phòng đại diện không phải là pháp nhân. Tuy nhiên, Quyết định thành lập của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam có ghi rõ Văn phòng giao dịch của Ngân hàng chính sách là đại diện pháp nhân. Vậy có được căn cứ vào Quyết định này để xác định Văn phòng đại diện của Ngân hàng chính sách xã hội có tư cách pháp nhân để tham gia tố tụng hay không hay đại diện đương sự tham gia tố tụng phải là Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam với tư cách là pháp nhân, sau đó Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam có văn bản ủy quyền cho Văn phòng giao dịch làm đại diện tham gia tố tụng? Hoặc có thể coi Quyết định thành lập văn phòng giao dịch với cụm từ là “phòng giao dịch là đại diện cho pháp nhân” để xác định đây là văn bản ủy quyền thường xuyên?
Trả lời:
Các tổ chức tín dụng, kể cả Ngân hàng chính sách là khi tham gia tố tụng phải là một pháp nhân. Việc đưa chi nhánh tham gia tố tụng với tư cách là một chủ thể độc lập trong tố tụng như một số bản án viết là không đúng quy định. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng là nguyên đơn, bị đơn hoặc người liên quan trong tố tụng thì phải ghi tên của tổ chức tín dụng có tư cách pháp nhân. Nếu tổ chức đó ủy quyền cho phòng giao dịch hoặc chi nhánh tham gia tố tụng thì đó là với tư cách người được ủy quyền, đại diện; tên tham gia tố tụng vẫn là tên của một pháp nhân. Chi nhánh không thể tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, bị đơn. Trong bản án không được viết “Chi nhánh… là nguyên đơn, bị đơn” mà cần phải phải viết lại thành: “Ngân hàng chính sách xã hội, do ông/bà… Trưởng Chi nhánh, được ủy quyền đại diện”
Trả lời của Tòa án Nhân dân Tối Cao.