Câu hỏi: Kỷ luật lao động
Trường hợp nào người sử dụng lao động được quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động trên 15 ngày? Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động có phải nhận người lao động trở lại làm việc hay không?
Trả lời có tính chất tham khảo!
1.Trường hợp nào người sử dụng lao động được quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động trên 15 ngày?
Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày.
Như vậy, người sử dụng lao động được quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động trên 15 ngày và không quá 90 ngày trong trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào quy định chi tiết việc tạm đình chỉ công việc của người lao động trong trường hợp đặc biệt. Do đó, có thể coi việc tạm đình chỉ công việc người lao động trong trường hợp đặc biệt bằng cách áp dụng tương tự đối với các trường hợp kéo dài thời hiệu xử lý kỉ luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Lao động 2019 như các hành vi: vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động. Và các hành vi quy định cụ thể tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như các hành vi: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc; tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
2. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động có phải nhận người lao động trở lại làm việc hay không?
Khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:”Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc”
Do đó, khi hết thời hạn tạm đình chỉ công việc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.