Góp vốn quyền sở hữu trí tuệ là một trong những hình thức góp vốn được Luật doanh nghiệp 2020 cho phép góp vốn vào doanh nghiệp. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp sẽ sử dụng quyền sở hữu trí tuệ mà cá nhân tổ chức đó đang sở hữu để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp. Vậy điều kiện, trình tự thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi xin tư vấn về Những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ vào doanh nghiệp để các cá nhân tổ chức có nhu cầu tham khảo:
1. Quyền sở hữu trí tuệ, Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng (Khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu gồm: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nổi tiếng.
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ là sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
2. Điều kiện để góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Các cá nhân, tổ chức khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ cần phải đảm bảo các điều kiện như sau:
Quyền sở hữu trí tuệ được cấp văn bằng bảo hộ: Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bằng bảo hộ. Đối với các quyền sở hữu trí tuệ này, các cá nhân tổ chức khi tham gia góp vốn cần xem xét quyền sở hữu trí tuệ đã được cấp văn bằng bảo hộ chưa? Nếu chưa được cấp văn bằng bảo hộ thì cần phải làm thủ tục xin cấp văn bằng bảo hộ để chứng minh quyền sở hữu trí tuệ đó thuộc sở hữu của mình. Từ đó mới có thể góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ đối với những tài sản quyền sở hữu trí tuệ cần cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ đã có văn bằng bảo hộ thì cần xem xét văn bằng bảo hộ đó còn thời hạn không? Nếu không còn thời hạn thì phải thực hiện thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ trước khi góp vốn theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
Giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ do cơ quan có thẩm quyền cấp: Đối với những quyền sở hữu trí tuệ còn lại, nếu không thuộc trường hợp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuê. Quyền sở hữu trí tuệ chỉ được coi là sở hữu hợp pháp nếu được cơ quan có thẩm quyền nhà nước cấp. Do đó, các cá nhân tổ chức muốn chứng mình quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của mình để góp vốn thì cần phải được cơ quan có thẩm quyền nhà nước cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ. Nếu quyền sở hữu trí tuệ chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ thì phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Tài sản là quyền sở hữu góp vốn vào doanh nghiệp phải do chủ sở hữu (người đứng tên trên văn bằng bảo hộ hoặc người được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ) góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Do đó, chỉ chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ mới được dùng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn vào doanh nghiệp.
Quyền sở hữu trí tuệ phải phải được định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, các tài sản không phải là Đồng Việt Nam thì phải tiến hành định giá. Do đó, quyền sở hữu trí tuệ phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá.
3. Trình tự thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Quyền sở hữu trí tuệ sau khi đảm bảo được điều kiện góp vốn, khi góp vốn vào doanh nghiệp thì phải thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Định giá tài sản:
Quyền sở hữu trí tuệ không phải là tài sản Đồng Việt Nam nên theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành cần phải thực hiện thủ tục định giá trước khi góp vốn.
Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền:
Trong hợp đồng góp vốn, cần phải thể hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như: Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ, …); Quyền sở hữu trí tuệ cụ thể ( Chủ giấy chứng nhận/ chủ bằng độc quyền,…; số đơn; ngày nộp đơn; quyết định cấp; thời hạn bảo hộ,…); giá trị quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn góp vốn; mục đích góp vốn; đăng ký góp vốn và nộp lệ phí; cam đoan của các bên,… Sau khi các bên lập xong hợp đồng góp vốn sẽ được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, tài sản quyền sở hữu trí tuệ phải chuyển quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp. Do đó, các cá nhân tổ chức chuyển quyền sở hữu chí tuệ thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ vào Điều 86, 87, 138, 192 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng khi chuyển giao quyền sở hữu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Do đó, các cá nhân tổ chức muốn chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp thì cần phải thực hiện chuyển giao quyền sở hữu dưới hình thức hợp đồng lập bằng văn bản.
Trên đây là nội dung tư vấn của IPIC về Trình tự thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.
- Trang chủ
- Doanh nghiệp
- Những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ theo luật doanh nghiệp năm 2020
Những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ theo luật doanh nghiệp năm 2020
Những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ theo luật doanh nghiệp năm 2020