Góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ là một trong những hình thức góp vốn được Luật doanh nghiệp 2020 cho phép góp vốn vào doanh nghiệp. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp sẽ sử dụng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ mà cá nhân tổ chức đó đang sở hữu để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp. Vậy điều kiện, trình tự thủ tục góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi xin tư vấn về Những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ vào doanh nghiệp để các cá nhân tổ chức có nhu cầu tham khảo:
1. Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ? Góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ
Bí quyết là là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ. Bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ.
Bí quyết kỹ thuật là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ liên quan đến kỹ thuật (như thiết kế, chế tạo, vận hành những công trình, máy móc, quy trình,…)
Bí quyết công nghệ là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ liên quan đến công nghệ (như sự phát minh, sự thay đổi, việc sử dụng, và kiến thức về các công cụ, máy móc, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, hệ thống, và phương pháp tổ chức,…)
Góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ là sử dụng thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ để góp vốn vào doanh nghiệp . Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm: Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.
2. Điều kiện để góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ
Các cá nhân, tổ chức khi góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ cần phải đảm bảo các điều kiện như sau:
Thứ nhất, Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ để góp vốn vào doanh nghiệp không thuộc đối tượng cấm chuyển giao theo quy định tại Điều 11 Luật chuyển giao công nghệ 2017 và theo Điều 3 Nghị định 76/2018/NĐ-CP và đối tượng hạn chế chuyển giao theo quy định tại Điều 10 Luật chuyển giao công nghệ 2017 và theo Điều 3 Nghị định 76/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ cấm chuyển giao: Cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ sau đây: Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học; Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.
Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ hạn chế chuyển giao: Hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước trong trường hợp sau đây: Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển; Sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen; Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước; Công nghệ nhân giống, nuôi, trồng giống mới chưa được kiểm nghiệm; Tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán, truyền thống và đạo đức xã hội.
Hạn chế chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài trong trường hợp sau đây: Tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản xuất theo bí quyết truyền thống hoặc sử dụng, tạo ra chủng, loại giống trong nông nghiệp, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam; Tạo ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia của Việt Nam.
Thứ hai, Phải đăng ký chuyển giao bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ nếu thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật: Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 thì Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ dùng để góp vốn vào doanh nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ: Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Thứ ba, Tài sản là quyền sở hữu bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ góp vốn vào doanh nghiệp phải do chủ sở hữu (người đứng tên trên văn bằng bảo hộ hoặc người được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ xác nhận quyền sở hữu trí tuệ khi bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ đó được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; các giấy tờ khác chứng minh cá nhân tổ chức đó là chủ sở hữu công nghệ ) góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Do đó, chỉ chủ sở hữu bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ mới được dùng bý quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ để góp vốn vào doanh nghiệp.
Thứ tư, bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ phải phải được định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, các tài sản không phải là Đồng Việt Nam thì phải tiến hành định giá. Do đó, công nghệ phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá.
3. Trình tự thủ tục góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ.
Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ sau khi đảm bảo được điều kiện góp vốn, khi góp vốn vào doanh nghiệp thì phải thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Định giá tài sản:
Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ không phải là tài sản Đồng Việt Nam nên theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành cần phải thực hiện thủ tục định giá trước khi góp vốn.
Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ vào Điều 22 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 thì chuyển giao bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ phải lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật dân sự. Do đó, các cá nhân tổ chức muốn chuyển giao bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ cho doanh nghiệp thì cần phải thực hiện chuyển giao quyền sở hữu dưới hình thức hợp đồng lập bằng văn bản.
Trong hợp đồng chuyển giao bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ, cần phải thể hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như: Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ, …); Tên bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ được chuyển giao; Đối tượng bí quyết được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng bí quyết; Phương thức chuyển giao bí quyết; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có); Kế hoạch, tiến độ chuyển giaobí quyết, địa điểm thực hiện chuyển giao bí quyết; Trách nhiệm bảo hành bí quyết được chuyển giao; Phạt vi phạm hợp đồng; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Cơ quan giải quyết tranh chấp; Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
Việc lập hợp đồng chuyển giao bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ không bắt buộc phải công chứng tại VPCC hay chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý cao hơn, các cá nhân tổ chức có thể công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu công nghệ sang cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, tài sản là bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ phải chuyển quyền sở hữu bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ cho doanh nghiệp. Do đó, các cá nhân tổ chức chuyển quyền sở hữu bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở hữu công nghệ đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn của IPIC về Trình tự thủ tục góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.
Trân trọng!
Luật sư: Nguyễn Trinh Đức