Những điểm mới cơ bản của Luật thi hành án Dân sự

15 /082016

Những điểm mới cơ bản của Luật thi hành án Dân sự

TS. NGUYỄN VĂN NGHĨA (*)

Pháp lệnh thi hành án dân sự (năm 2004) sau gần 5 năm triển khai thực hiện đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới thì Pháp lệnh thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng án dân sự vẫn còn tồn đọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của toà án chưa được bảo đảm thực hiện tốt.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự và cũng là để tiếp tục thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án, ngày 14/11/2008 tại kì họp thứ tư, Quốc hội Khoá XII đã thông qua Luật thi hành án dân sự. Luật này gồm 9 chương, 183 điều với nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong công tác thi hành án dân sự, bao gồm:

>>> Tham khảo: thành lập trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài

Một là về ngạch chấp hành viên: Pháp lệnh thi hành án dân sự quy định ngạch chấp hành viên theo cấp hành chính, gồm có hai cấp là chấp hành viên cấp tỉnh và chấp hành viên cấp huyện, thực tiễn cho thấy đã phát sinh bất cập, gây khó khăn cho việc sắp xếp, điều động, luân chuyển chấp hành viên. Để tạo thuận lợi và linh hoạt hơn trong công tác điều động, luân chuyển chấp hành viên nhằm đáp ứng yêu cầu công việc thi hành án, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 17 Luật thi hành án dân sự đã quy định: "Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp".

Hai là về tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên: Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự thì tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chấp hành viên bao gồm các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có đủ sức khoẻ và thời gian làm công tác pháp luật theo quy định (từ bốn năm trở lên đối với chấp hành viên cấp huyện và đã làm chấp hành viên cấp huyện từ năm năm trở lên đối với chấp hành viên cấp tỉnh). Những người đủ tiêu chuẩn này sẽ được Bộ trưởng Bộ tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm chấp hành viên trên cơ sở tờ trình đề nghị của hội đồng tuyển chọn chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Điểm mới trong tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định tại Điều 18 Luật thi hành án dân sự đó là quy định cụ thể về thời gian làm công tác pháp luật đối với các ngạch chấp hành viên. Theo đó, chấp hành viên sơ cấp phải có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên, đối với chấp hành viên trung cấp thì phải có thời gian làm chấp hành viên sơ cấp từ năm năm trở lên, đối với chấp hành viên cao cấp thì phải có thời gian làm chấp hành viên trung cấp từ năm năm trở lên. Một trong các tiêu chuẩn bắt buộc để được bổ nhiệm làm chấp hành viên đó là phải qua kì thi và trúng tuyển kì thi tuyển chấp hành viên ở các ngạch tương ứng. Quy định mới về thi tuyển chấp hành viên này nhằm khắc phục hạn chế trong quy trình, thủ tục tuyển chọn để bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định của pháp luật hiện hành, thông qua thi tuyển sẽ cho phép lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để bổ nhiệm chấp hành viên, tạo khả năng thu hút cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

Tuy nhiên, việc thi tuyển chấp hành viên trong thời gian trước mắt cũng có trường hợp ngoại lệ để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định những cơ quan thi hành án dân sự cụ thể ở các địa bàn này được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.

>>> Tham khảo: Thành lập công ty xây dựng có yếu tố nước ngoài

Ba là về thời hạn bổ nhiệm chấp hành viên: Luật thi hành án dân sự đã quy định mới về việc bổ nhiệm chấp hành viên không kì hạn, vừa kế thừa được những ưu điểm, vừa khắc phục được về cơ bản những hạn chế của việc bổ nhiệm chấp hành viên có kì hạn. Chấp hành viên là chức danh tư pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về thi hành án dân sự nên việc bổ nhiệm chấp hành viên không theo nhiệm kì sẽ tạo ra sự yên tâm để chấp hành viên làm tốt công tác thi hành án, điều này cũng không hạn chế việc xử lí kỉ luật nếu chấp hành viên có vi phạm hoặc miễn nhiệm nếu chấp hành viên không đủ năng lực, điều kiện làm chấp hành viên. Hơn nữa, quy định mới về việc bổ nhiệm chấp hành viên không kì hạn cũng phù hợp với định hướng đã được quy định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị, đó là: “Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kì hạn”.

Ngoài ra, để giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho chấp hành viên khi được chuyển công tác, Luật thi hành án dân sự đã quy định chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác vì việc làm thủ tục miễn nhiệm chức danh chấp hành viên đối với họ trong các trường hợp này là không thật sự cần thiết. Ngoài ra, Luật thi hành án dân sự cũng đã quy định các trường hợp phải được Bộ trưởng Bộ tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm chấp hành viên, đó là trường hợp do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khoẻ mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chấp hành viên hoặc vì lí do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm chấp hành viên.

>>> Tham khảo: công ty cho thuê tài chính 100 vốn nước ngoài

Bốn là về thời hiệu yêu cầu thi hành án: Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự thì thời hiệu ba năm thực hiện quyền yêu cầu thi hành án là chưa hợp lí, không thực sự bảo đảm quyền về tài sản của các đương sự, không phù hợp với thời hạn xác lập quyền sở hữu theo các quy định của Bộ luật dân sự cũng như thông lệ quốc tế. Quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án là ba năm như Pháp lệnh thi hành án dân sự có nghĩa là hết thời hạn ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án không còn quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án cho mình, trong khi bản án, quyết định này của toà án vẫn còn hiệu lực pháp luật dẫn đến bản án không thể thi hành được, quyền lợi của người được thi hành án không được bảo đảm.(1) Để khắc phục hạn chế này của Pháp lệnh, Luật thi hành án dân sự đã quy định kéo dài thời hiệu yêu cầu thi hành án nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự lựa chọn thời điểm phù hợp để yêu cầu thi hành án cũng như góp phần làm giảm áp lực công việc cho cơ quan thi hành án dân sự. Khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án dân sự quy định: "Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án".

Năm là quy định bổ sung các biện pháp bảo đảm thi hành án: Mặc dù khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh thi hành án dân sự đã quy định: “Trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì chấp hành viên áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này". Tuy nhiên, Pháp lệnh thi hành án dân sự lại chưa quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm thi hành án nên việc thực hiện quyền của chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh này còn có nhiều hạn chế. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự ở nước ta trong thời gian qua. Do đó, phải có quy định bảo đảm chấp hành viên có quyền chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án mà không cần phải thông báo trước cho đương sự là hết sức cần thiết. Hơn nữa, chấp hành viên là chức danh tư pháp đã được pháp luật giao cho thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án để tổ chức thi hành bản án, quyết định của toà án nên việc quy định chấp hành viên có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cũng là phù hợp. Tuy nhiên, để việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án được chặt chẽ, hạn chế việc lạm dụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì cần quy định rõ thủ tục, thời hạn và trách nhiệm của chấp hành viên khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Trên tinh thần đó, Luật thi hành án dân sự đã quy định chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm: phong toả tài sản, tạm giữ tài sản, giấy tờ, tạm dừng việc đăng kí, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Sáu là chỉnh sửa, bổ sung quy định mới một số điều khoản về các biện pháp cưỡng chế thi hành án và thủ tục cưỡng chế thi hành án: Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của đương sự nên các quy định của pháp luật về áp dụng các biện pháp cưỡng chế và thủ tục cưỡng chế có vai trò đặc biệt quan trọng trong thi hành án. Tuy nhiên, các quy định về cưỡng chế thi hành án của Pháp lệnh thi hành án dân sự còn nhiều bất cập như thiếu các biện pháp cưỡng chế cần thiết; thủ tục cưỡng chế còn quy định quá chung chung hoặc có những thủ tục còn rườm rà, phức tạp, nên đã không dự liệu hết được những tình huống xảy ra trong thực tế, gây khó khăn cho chấp hành viên và cơ quan thi hành án trong quá trình thực thi công vụ. Khắc phục những hạn chế này của Pháp lệnh thi hành án dân sự, Luật thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mới và quy định chi tiết hơn một số nội dung về tổ chức cưỡng chế trong thi hành án dân sự như sau:

>>> Tham khảo: Thành lập công ty hoạt động xuất, nhập khẩu có yếu tố nước ngoài

Thứ nhất, bổ sung quy định về kế hoạch cưỡng chế thi hành án: Cưỡng chế thi hành án dân sự có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên đương sự nên các hành vi cản trở, chống đối, không chấp hành án của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn này. Do đó, Pháp lệnh thi hành án dân sự đã quy định cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, trên thực tế trong một số trường hợp lực lượng cảnh sát chưa kịp thời hỗ trợ cơ quan thi hành án trong việc bảo đảm trật tự và an toàn trong quá trình cưỡng chế hoặc còn thiếu thống nhất về kế hoạch cưỡng chế nên phần nào đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, bảo đảm sự thành công của quá trình cưỡng chế, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, Điều 72 Luật thi hành án dân sự đã bổ sung quy định về kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Quy định này bao gồm các nội dung chính của kế hoạch cưỡng chế, nơi gửi kế hoạch cưỡng chế và trách nhiệm của cơ quan công an trong việc lập kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lí hành vi tẩu tán tài sản, hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội. Đây là quy định mới rất quan trọng nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của cơ quan công an và các cơ quan khác có liên quan trong việc bảo vệ tổ chức cưỡng chế thi hành án, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cưỡng chế thi hành án.

Thứ hai, quy định làm rõ hơn về cưỡng chế đối với tài sản là giấy tờ có giá. Do Pháp lệnh thi hành án dân sự quy định còn chung chung, chưa đầy đủ và rõ ràng về biện pháp cưỡng chế thu hồi đối với tài sản là giấy tờ có giá của người phải thi hành án nên thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế này theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh thi hành án dân sự đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định như khó xác định được người phải thi hành án cất những giấy tờ có giá này ở đâu hoặc đang do ai giữ, đồng thời Pháp lệnh cũng chưa quy định biện pháp xử lí trong trường hợp người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong thời gian qua không đạt được hiệu quả như mong muốn. Khắc phục hạn chế đó, Điều 82 Luật thi hành án dân sự đã quy định cụ thể về các biện pháp, cách thức thu giữ giấy tờ có giá để bảo đảm thi hành án như sau: "1) Trường hợp phát hiện người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định thu giữ giấy tờ đó để thi hành án. 2) Người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành án".

Thứ ba, quy định mới về thủ tục cưỡng chế đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ: Cho đến nay Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước quốc tế có liên quan về quyền sở hữu trí tuệ như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), kí Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ngày 13/7/2000 và đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ ngày 07/01/2007. Một trong những cam kết quan trọng được quy định trong các văn kiện pháp lí quốc tế mà các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ đó là vấn đề bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ, khoản 1 Điều 41 mục 1 Phần III của Hiệp định TRIPs về thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã quy định: "Các thành viên phải bảo đảm rằng các thủ tục thực thi quyền nêu tại Phần này phải được quy định trong luật quốc gia của mình để tạo khả năng khiếu kiện có hiệu quả đối với mọi hành vi vi phạm các loại quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong Hiệp định này, trong đó có những biện pháp chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và những biện pháp chế tài nhằm ngăn chặn không để các hành vi vi phạm tiếp diễn. Các thủ tục đó phải được áp dụng theo cách thức nhằm tránh tạo ra các hàng rào cản trở hoạt động thương mại hợp pháp và nhằm quy định các biện pháp bảo đảm cho các thủ tục đó không bị lạm dụng". Để thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế, Việt Nam đã từng bước nội luật hoá các quy định về sở hữu trí tuệ trong các văn kiện pháp lí quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, pháp luật về thi hành án dân sự của Việt Nam trước đây lại chưa đề cập cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục cưỡng chế đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, do đó, khi phải cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ thì chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự đã lúng túng và gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, để tạo cơ sở pháp lí vừa bảo đảm thực thi có hiệu quả các vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vừa bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án thông qua việc thực thi có hiệu quả các bản án, quyết định của toà án trên thực tế, Điều 84 Luật thi hành án dân sự đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, chấp hành viên có quyền ra quyết định kê biên quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên. Ngoài ra, về trình tự, thủ tục định giá, bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ bảo đảm thi hành án sẽ được quy định trong nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ.

Thứ tư, bổ sung quy định làm rõ hơn việc định giá tài sản: Pháp lệnh thi hành án dân sự quy định về việc định giá tài sản đã kê biên thông qua hội đồng định giá là không phù hợp vì Pháp lệnh không quy định rõ trách nhiệm của các thành viên hội đồng. Hơn nữa, việc chỉ định chấp hành viên làm chủ tịch hội đồng, chịu trách nhiệm về giá đã định trong khi chấp hành viên không có chuyên môn sâu trong việc đưa ra giá của tài sản, nếu có sai sót thì chấp hành viên lại phải chịu trách nhiệm vì là chủ tịch hội đồng là chưa hợp lí. Ngoài ra, cơ chế làm việc của hội đồng cũng gây ra sự khó khăn, lệ thuộc của cơ quan thi hành án vào các thành viên của hội đồng vốn là người của các cơ quan khác. Việc thành lập hội đồng định giá với đủ thành phần, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi vì các thành viên ở các cơ quan khác còn phụ thuộc vào kế hoạch công việc chuyên môn của họ, chưa kể đến nếu các cơ quan chuyên môn đó không cử cán bộ tham gia hoặc cử không đúng thành phần thì việc thành lập hội đồng định giá lại càng khó khăn hơn. Để khắc phục những bất cập nêu trên, Điều 98 Luật thi hành án dân sự đã quy định trong trường hợp chủ động thi hành án hoặc khi các bên đương sự không thoả thuận được việc chọn tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc kí hợp đồng dịch vụ hoặc không thoả thuận được về giá thì chấp hành viên có quyền kí hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản.

Thứ năm, quy định mới về cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án thì được hỗ trợ tiền thuê nhà: Việc trích lại khoản tiền cho người phải thi hành án trong trường hợp họ bị cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất là hết sức cần thiết, thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Khoản 5 Điều 115 Luật thi hành án dân sự đã quy định: "Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy khi thanh toán các nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn một năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này".

Thứ sáu, quy định rõ hơn về thi hành nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc: Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc thì để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thi hành án nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc, khoản 2 Điều 121 Luật thi hành án dân sự quy định: "Trường hợp không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định thì người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động. Trường hợp người lao động không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án". Ngoài ra, người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc hoặc được giải quyết theo các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật thi hành án dân sự nêu trên.

Bảy là bổ sung các quy định về thi hành án đối với một số trường hợp cụ thể: Pháp lệnh thi hành án dân sự đã quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định về dân sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính, hình sự của toà án, quyết định của trọng tài thương mại. Việc thi hành án đối với các loại bản án, quyết định này tuy có nhiều điểm chung nhưng cũng có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, Pháp lệnh thi hành án dân sự lại không có quy định thủ tục đặc thù nên trong quá trình thi hành án gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những bất cập này, Luật thi hành án dân sự đã dành hẳn một chương quy định về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể sau: Thứ nhất, thi hành khoản tịch thu sung công quỹ nhà nước; tiêu huỷ tài sản; khoản trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự; Thứ hai, quy định về thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Thứ ba, quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã được đưa ra thi hành hoặc thi hành xong hoàn toàn nhưng sau đó vẫn có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoãn hoặc kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Có trường hợp bản án đã được thi hành xong từ lâu, tài sản thi hành án không còn tồn tại hoặc tuy còn nhưng đã thay đổi qua nhiều chủ sở hữu hợp pháp song cơ quan thi hành án lại nhận được văn bản hoãn thi hành án hoặc bản án giám đốc thẩm huỷ bỏ, xử ngược lại với bản án đã được thi hành gây nên sự phức tạp, khó khăn trong việc thi hành bản án mới.(2) Thực trạng này đã dẫn đến việc tổ chức thi hành án kéo dài, đương sự khiếu nại nhiều lần gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước, bảo đảm quyền của chủ sở hữu do hậu quả của việc thi hành những bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị sửa, huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Luật thi hành án dân sự đã bổ sung thủ tục này nhằm giải quyết các bất cập lớn đặt ra trong thực tiễn đó là: Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực; Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa; Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Thứ tư, bổ sung các quy định về thủ tục thi hành quyết định về phá sản.

Tám là quy định mới về việc miễn thi hành án đối với các khoản phải thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000đ. Để hạn chế những vụ việc thi hành án có giá trị nhỏ nhưng tồn đọng kéo dài và khó có thể giải quyết được, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Nghị quyết của Quốc  hội  số  24/2008/NQ-QH12  ngày 14/11/2008  về việc thi hành Luật thi hành án dân sự đã quy định: “Đối với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000đ mà thời gian tổ chức thi hành đã quá 5 năm, tính đến thời điểm Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp lập danh sách đề nghị toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở ra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó”.

Chín là quy định mới về chủ trương xã hội hoá một số công việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy định tại Nghị quyết  của  Bộ  chính  trị  số  49-NQ/TW: “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án...; nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên), trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”, Nghị quyết của Quốc hội số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 về việc thi hành Luật thi hành án dân sự đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành đến ngày 01/7/2012. Từ kết quả thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá thực tiễn và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Tóm lại, với số lượng các điều khoản khá đồ sộ (gồm 9 chương và 183 điều) trong đó có nhiều quy định mới so với trước đây về công tác thi hành án dân sự cho thấy Luật thi hành án dân sự là bước tiến lớn về chất, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của công tác lập pháp nói chung và việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thi hành án dân sự của ngành tư pháp nói riêng. Luật thi hành án dân sự với nhiều điểm mới quan trọng như vậy đã khắc phục được về cơ bản những hạn chế của Pháp lệnh thi hành án dân sự, từng bước đưa chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự vào thực tiễn cuộc sống, qua đó góp phần vào việc xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

------------------------------------------------------

(*) Cục thi hành án dân sự - Bộ tư pháp

(1).Xem: TS. Nguyễn Thanh Thuỷ, ThS. Lê Tuấn Sơn, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 sau 3 năm thi hành, Tạp chí dân chủ và pháp luật, 2007, tr. 11.

(2).Xem: TS. Nguyễn Thanh Thuỷ, Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, 2008, tr. 224.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.