MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TÀI SẢN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ
Bộ luật Dân sự quy định những nguyên tắc chung chung nhất về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Trong các quy định về kinh doanh và thương mại của Bộ luật Dân sự có các quy định về hợp đồng vận chuyển tài sản.Trên cơ sở những quy định chung về Hợp đồng vận chuyển tài sản, các bộ luật chuyên ngành quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng vận chuyển tài sản như Bộ luật hàng hải, Luật hàng không dân dụng, Luật giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ. Trong số các luật chuyên ngành này, Bộ luật hàng hải đóng vai trò quan trọng vì ở nước ta cũng như trên thế gioi 85% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển. Để bảo đảm sự tương thích giữa các quy định về Hợp đồng vận chuyển tài sản trong Bộ luật dân sự với các nguyên tắc phổ biến trong luật hàng hải quốc tế chúng tôi xin kiến nghị một số sửa đổi sau đây trong Bộ luật dân sự:
Điều 539.1 quy định: bên vận chuyển có nghĩa vụ “bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn, đến địa điểm đã đinh, theo đúng thời hạn”.
Thế nào là đúng thời hạn? Bên vận chuyển hay bên thuê vận chuyển quyết định? Đây là một khái niệm không rõ ràng. Trong các công ước quốc tế hàng hải phổ biến hiện nay ( Hague và Hague Visby) cũng như trong Bộ luật hàng hải Việt Nam, bên vận chuyển thường không chịu trách nhiệm về việc “ vận chuyển theo đúng thời hạn” bởi lẽ ngày nay tuy khoa học kỹ thuật đã phát triển như vũ bão nhưng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn chứa đựng nhiều rủi ro tai họa không lường trước được. Vì vậy, thông thường trong các hợp đồng thuê tàu, nếu bên thuê vận chuyển muốn hàng đến đích đúng thời hạn cụ thể nào đó thì phải quy định rõ trong hợp đồng và đi liền với đó là giá cước sẽ cao hơn giá cước thông thường. Từ đó để bảo đảm sự tương thích giữa Bộ luật dân sự và Bộ luật hàng hải chúng tôi đề nghị sửa đổi Điều 539.1 như sau: Bên vận chuyển có nghĩa vụ “ bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định và theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận”. Sự sửa đổi này bảo đảm tương thích giữa Điều 539.1 với Điều 543.2 và Điều 545.3 của Bộ luật dân sự cũng như sự tương thích với Bộ luật hàng hải.
Điều 541.2 quy định: bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ “ trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận”.
Trong các công ước hàng hải quốc tế phổ biến (Hague, Hague Visby) cũng như trong Bộ luật hàng hải Việt Nam, trông coi hàng hóa ( với tư cách là người Bailee or Custodier) trong quá trình vận chuyển là nghĩa vụ của thuyền trưởng. Điều 50.3 Bộ luật hàng hải quy định thuyền trưởng có nghĩa vụ “quan tâm thích đáng để hàng hóa được bốc lên tàu biển, sắp xếp và bảo quản trên tàu biển, dỡ khỏi tàu một cách hợp lý, mặc dù công việc này đã được giao cho những người có trách nhiệm thực hiện”. Tiếp đó, Điều 51.1 và 51.2 Bộ luật hàng hải quy định thuyền trưởng không những đại diện cho chủ tàu mà còn là đại diện cho chủ hàng trong điều khiển và quản trị tàu và hàng hóa cũng như khi thực hiện các hành vi pháp lý khi khởi kiện hoặc tham gia tố tụng trước tòa án hay trọng tài. Ngay cả trong trường hợp bên thuê vận chuyển cử người đi theo tàu ( Super Cargo) thì khi xẩy ra hư hỏng mất mát hàng hóa do lỗi của chủ tàu hay thuyền trưởng thì bên vận chuyển vẫn phải bồi thường. Từ đó, chúng tôi đề nghị hủy bỏ Điều 541.2 để bảo đảm sự tương thích giữa Bộ luật dan sự với luật pháp hàng hải quốc tế cũng như Bộ luật hàng hải Việt Nam.