Một số vấn đề cần bàn về trường hợp ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự

15 /082016

Một số vấn đề cần bàn về trường hợp ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự

Một số vấn đề cần bàn về trường hợp ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự

PHAN VŨ LINH – TÒA ÁN NHÂN DÂN CẦN THƠ

Khi tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự thì các đương sự có thể tự mình trực tiếp tham gia hoặc vì một lý do nào đó mà đương sự trong vụ kiện có thể ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự được quy định tại các Điều 73, 74, 75, 76, 77 và 78 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các Điều 581 đến 589 của Bộ luật Dân sự năm 2006. Tuy nhiên, qua công tác áp dụng và giải quyết các vụ án dân sự có ủy quyền trên thực tế đã tồn tại một số vướng mắc nhất định, trong phạm vi bài viết này tác giả xin đưa ra một số vướng mắc, bất cập về nội dung ủy quyền, những trường hợp chấm dứt ủy quyền và thời hạn ủy quyền:

>>> Tham khảo: Nhà đầu tư Hàn quốc mua lại vốn góp công ty việt nam

1/ Nội dung ủy quyền

Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì người đại diện theo ủy quyền trong Bộ luật Dân sự là người đại diện ủy quyền trong tố tụng dân sự, tuy nhiên khi đối chiếu với Mục 12 (quy định về Hợp đồng ủy quyền) của Bộ luật Dân sự thì trong mục này không có quy định về nội dung ủy quyền cụ thể là những nội dung gì? Mà theo Điều 581 quy định “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền…”, nhưng cụ thể gồm những công việc gì? Giới hạn cụ thể ra sao thì chưa có quy định cụ thể?

Ví dụ: Ông T khởi kiện bà V về việc chia di sản của cha mẹ để lại là cụ H và M (cụ H chết năm 1989 và cụ M chết năm 2001, giữa cụ H và M có với nhau 08 người con), trong 08 người con của cụ H và M thì có bà H và ông Th đang định cư sinh sống tại nước ngoài. Để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự Tòa án đã yêu cầu bà H và ông Th có ý kiến của mình về nội dung vụ kiện. Sau khi nhận được văn bản của Tòa bà H và ông Th có văn bản ủy quyền cho Luật sư K nhân danh mình đến Tòa án tham gia tố tụng trong vụ kiện trên, theo văn bản ủy quyền đó thì bà H và ông Th ủy quyền cho Luật sư K có nội dung “…ông K được nhân danh bà H và ông Th đến Tòa án tham gia tố tụng trong vụ kiện và toàn quyền quyết định, định đoạt mọi vấn đề trong vụ kiện trên; đồng thời yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật Việt Nam…”.

Từ ví dụ trên đã có hai quan điểm khác nhau về nội dung ủy quyền của bà H và ông Th cho Luật sư K:

>>> Tham khảo: Thành lập trường mầm non có yếu tố nước ngoài

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nội dung ủy quyền của bà H và ông Th ủy quyền cho ông K là không phù hợp với quy định của pháp luật, mà cụ thể là ông K không thể thay mặt bà H và ông Th yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo quy định của pháp luật được, bởi bà H và ông Th được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện và một khi có yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cha mẹ để lại (mà cụ thể là yêu cầu độc lập) thì về thủ tục được thực hiện theo quy định về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể là trong trường hợp này bà H và ông Th phải làm đơn khởi kiện đồng thời ký tên vào đơn khởi kiện của mình theo quy định của Điều 164 Bộ luật tố tụng Dân sự. Do đó, ông K không thể đại diện bà H và ông Th yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ H và M để lại theo quy định của pháp luật được, cho nên nội dung ủy quyền này không hợp pháp.

+ Quan điểm 2: Nội dung ủy quyền của bà H và ông Th với ông K là không vi phạm pháp luật, theo quy định tại khoản 1 Điều 139 “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây được gọi là người đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”, theo đó ông K đã nhân danh bà H và ông Th yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật và công việc này vẫn nằm trong phạm vi ủy quyền của các bên. Hơn nữa, việc ông K làm người đại diện theo ủy quyền cho bà H và ông Th không thuộc trường hợp không được làm người đại diện (Điều 75 Bộ luật tố tụng Dân sự). Do đó, giao dịch bằng hình thức hợp đồng ủy quyền giữa bà H, ông Th với ông K không vi phạm pháp luật nên ông K được quyền nhân danh bà H và ông Th đến Tòa án yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật, trong trường hợp ông K vượt quá phạm vi ủy quyền thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Dân sự.

2/ Những trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Pháp luật dân sự đã quy định 04 trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền (Điều 589) như sau:

>>> Tham khảo: Mở nhà hàng có yếu tố nước ngoài

+ Hợp đồng ủy quyền hết hạn;

+ Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

+ Bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này (Bộ luật dân sự);

+ Bên ủy quyền hoặc bên nhận ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Theo quy định trên thì pháp luật dân sự đã xác định rõ các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền của các bên đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế đã có một số trường hợp chưa đủ cơ sở xác định hợp đồng ủy quyền của các bên đã chấm dứt hay chưa.

Ví dụ: Vào năm 1983 bà L có bán cho bà V một tầng của căn nhà 03 tầng, tuy nhiên sau đó cơ quan chức năng đã xác định bà V chưa đủ điều kiện mua nhà (theo quy định lúc bấy giờ). Sau đó bà V đã khởi kiện bà L về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, mà cụ thể là yêu cầu bà L bồi thường cho bà số tiền đã đưa trước tương đương 80 lượng vàng. Vụ án được giải quyết nhiều lần nhưng bị giám đốc thẩm hủy, trong quá trình giải quyết vụ án thì bị đơn bà L sang định cư tại Hoa Kỳ, sau đó bà L ủy quyền cho con rể của mình là ông K nhân danh mình đến Tòa án tham gia tố tụng trong vụ kiện trên. Tuy nhiên, đến năm 2010 ông K bị bệnh tai biến (có xác nhận của bệnh viện), không thể đi lại để tham gia tố tụng trong vụ kiện trên, nên Tòa án đã có văn bản thông báo cho bà L biết và yêu cầu bà cung cấp ý kiến của mình, sau đó phía gia đình của bà L chuyển cho Tòa án giấy xác nhận của bệnh viện (ở Hoa Kỳ) do bà L đã 85 tuổi nên không còn minh mẫn nữa để trực tiếp tham gia tố tụng hay làm ủy quyền lại cho người khác. Để xác định bà L hoặc ông K bị hạn chế năng lực hành vi hay mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 22 và 23 của Bộ luật Dân sự thì phải có kết luận của tổ chức giám định, có yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì sẽ giải quyết bằng một việc dân sự, nhưng cả phía gia đình ông L, bà L và cả phía nguyên đơn bà V đều không có yêu cầu. Cho nên việc xác định hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông K còn hiệu lực pháp luật hay đã chấm dứt hiện nay cũng còn nhiều quan điểm trái ngược chiều nhau:

>>> Tham khảo: Thành lập công ty xây dựng Nhật bản tại Việt Nam

- Quan điểm 1: Cho rằng hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông K vẫn hiệu lực pháp luật, bởi lẽ hiện nay pháp luật chỉ quy định 04 trường hợp hợp đồng ủy quyền chấm dứt ủy quyền mà hợp đồng ủy quyền này không thuộc 04 trường hợp trên; trong khi đó bà L hay ông K không có yêu cầu chấm dứt hợp đồng ủy quyền giữa hai bên và Tòa án cũng chưa có Quyết định về hạn chế năng lực hay mất năng lực hành vi của bà L hay ông K. Do đó, hợp đồng ủy quyền này vẫn còn hiệu lực pháp luật.

- Quan điểm 2: Không đồng tình với quan điểm 1, quan điểm 2 cho rằng hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông K đã chấm dứt và không còn hiệu lực pháp luật, bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự trong trường hợp này người nhận ủy quyền là ông K không còn khả năng thực hiện công việc ủy quyền của bà L cho nên hợp đồng ủy quyền này đương nhiên không còn hiệu lực pháp luật.

Từ hai quan điểm trên và đối chiếu với quy định của pháp luật về những trường hợp hợp đồng ủy quyền chấm dứt thì pháp luật dân sự chưa quy định cụ thể về trường hợp trên. Tuy nhiên, trong hai quan điểm trên thì quan điểm 1 có lẽ phù hợp hơn, bởi lẽ pháp luật đã xác định chỉ có 04 trường hợp hợp đồng ủy quyền chấm dứt, đối với trường hợp trên thì chỉ khi nào bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố bà L hoặc ông K bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chết thì hợp đồng ủy quyền mới hết hiệu lực pháp luật.

3/ Thời gian ủy quyền

Đối với thời hạn có hiệu lực pháp luật của hợp đồng ủy quyền được quy định  tại Điều 582 Bộ luật Dân sự, theo quy định này đã xác định 03 trường hợp về thời hạn ủy quyền:

- Thời hạn do các bên thỏa thuận;

- Do pháp luật quy định;

- Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Tuy nhiên, khi vận dụng Điều luật này trên thực tế đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể:

* Đối với các vụ án dân sự vì một lý do nào đó thì người tham gia tố tụng ủy quyền lại cho một người thân hoặc cũng có thể là một Luật sư,v.v… thay mặt họ để tham gia tố tụng trong vụ kiện trên, và thông thường đối với các hợp đồng ủy quyền khi xác định về thời hạn ủy quyền trong hợp đồng hay ghi “Thời hạn ủy quyền: Kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Qua đây thì thời hạn kết thúc ủy quyền đã được xác định tương đối rõ ràng là “đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án”; Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho chúng ta là thời gian bắt đầu vụ kiện là khi nào? Và đối chiếu với các quy định của pháp luật tố tụng dân sự cũng như pháp luật dân sự hiện hành thì chưa có một quy định nào về chế định bắt đầu vụ kiện là từ khi nào? Và hiện nay trên thực tế cũng có nhiều quan điểm khác nhau về chế định này, cụ thể như sau:

·Có quan điểm cho rằng thời gian bắt đầu vụ kiện là kể từ khi nguyên đơn có đơn khởi kiện cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

·Bên cạnh đó, có quan điểm khác lại cho rằng bắt đầu vụ kiện không phải từ khi người khởi kiện có đơn yêu cầu mà phải được tính từ khi cơ quan chức năng có thẩm quyền (không nhất thiết phải là Tòa án) nhận đơn của họ, và khi đó quyền lợi của họ nêu trong đơn mới được cơ quan chức năng xem xét giải quyết thì khi đó mới bắt đầu vụ kiện và họ có thể ủy quyền;

·Không đồng tình với hai quan điểm trên, quan điểm khác lại cho rằng thời gian bắt đầu vụ kiện chỉ được tính từ khi Tòa án thụ lý vụ án, khi đó quyền và nghĩa vụ của các đương sự mới bắt đầu phát sinh, trước khi Tòa án thụ lý vụ án thì các việc ủy quyền không có giá trị pháp lý về mặt tố tụng.

* Mặt khác, trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền và pháp luật cũng không có quy định thì pháp luật xác định thời hạn ủy quyền của các bên có hiệu lực là một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Nhưng vấn đề đặt ra là  “ngày xác lập việc ủy quyền” là ngày nào, cụ thể là ngày hai bên ký vào văn bản ủy quyền hay tính từ ngày được cơ quan chức năng xác nhận vào hợp đồng ủy quyền đó?

Trong trường hợp ủy quyền được lập từ nước ngoài (do có đương sự ở nước ngoài) gửi về Việt Nam, để ủy quyền này có hiệu lực thì tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì mới có hiệu lực pháp luật, nhưng trong hợp đồng ủy quyền này đương sự không ghi thời hạn ủy quyền thì theo quy định của Điều 582 Bộ luật Dân sự thời hạn ủy quyền trong trường hợp này là một năm, vậy một năm được tính từ thời gian người ủy quyền ký, hay kể từ khi cơ quan chức năng của nước ngoài xác nhận? Hay được tính từ ngày hợp pháp hóa? Hay được tính từ ngày người nhận ủy quyền ký? Cho đến này vấn đề này cũng chưa được xác định rõ ràng, để việc áp dụng Điều luật này trong thời gian tới thiết nghĩ cần có những hướng dẫn chi tiết hơn, qua đó đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất.

Trong thời gian tới để pháp luật  dân sự cũng như pháp luật tố tụng dân sự được áp dụng thống nhất và hạn chế việc hủy án do vi phạm tố tụng mà cụ thể là liên quan đến ủy quyền, thì các nhà làm luật cần quy định cụ thể và hướng dẫn rõ ràng hơn đối với những quy định về ủy quyền như: nội dung ủy quyền, những trường hợp hợp đồng ủy quyền chấm dứt, thời hạn ủy quyền,v.v… .

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ:

http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=16059585

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.