Luật Phá sản 2004: Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện

15 /082016

Luật Phá sản 2004: Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Luật Phá sản 2004: những bất cập và kiến nghị hoàn thiện

 

Luật Phá sản (Luật PS) năm 2004 ra đời thay thế Luật PS năm 1993 đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan; xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ khi giải quyết việc phá sản; góp phần thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng Luật PS, đã nảy sinh một số bất cập. Bài viết phân tích những bất cập này và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện

Theo Thông báo của Tòa án nhân dân tối cao, từ khi Luật Phá sản có hiệu lực đến hết quý II/2012, cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng có rất ít doanh nghiệp trong số đó nộp đơn xin phá sản theo Luật PS (chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số các doanh nghiệp ngừng hoạt động). Tình trạng trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:

>>> Tham khảo: Nhà đầu tư nước ngoài thành lập trung tâm ngoại ngữ tại Việt Nam

 Thứ nhất, các quy định của Luật PS quá phức tạp về mặt thủ tục, các thông tư dưới luật hướng dẫn cũng không cụ thể và rõ ràng. Chẳng hạn như theo quy định của Luật PS, thì quyết định mở thủ tục phá sản và quyết định thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản được ban hành đồng thời. Trong khi đó Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28/4/2005 của Hội đồng thẩm thán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật PS lại không hướng dẫn cụ thể thời hạn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cử người tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản. Nghị định 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật PS đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của tổ quản lý, thanh lý tài sản lại quy định: khi quyết định mở thủ tục phá sản thì Thẩm phán chỉ gửi văn bản đề nghị cử người tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản. Như vậy, quyết định thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản sẽ ban hành sau. Hướng dẫn của hai văn bản trên là mâu thuẫn với quy định của Luật PS. Ngoài ra, chi phí được sử dụng để mở thủ tục phá sản được quy định tại Điều 21 Luật PS cũng chưa rõ ràng, làm cho Tòa án các địa phương lúng túng trong việc áp dụng quy định về phí phá sản và tạm ứng phí phá sản để mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

 Thứ hai, Luật PS đã coi những người điều hành doanh nghiệp bị phá sản giống như những “tội phạm” kinh tế. Theo quy định của Luật, chủ doanh nghiệp bị phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị Tòa án ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Đối với những người quản lý, điều hành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác bị tuyên bố phá sản thì sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào cũng như ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Với lý đó mà nhiều doanh nghiệp đã không lựa chọn cách phá sản theo Luật PS.

 Thứ ba, tại Điều 6 Luật PS, việc định nghĩa chủ nợ có đảm bảo, chủ nợ có đảm bảo một phần, chủ nợ không có đảm bảo chưa phù hợp thực tế. Luật chưa quy định rõ giá trị tài sản đảm bảo do cơ quan nào xác định? xác định bằng phương pháp nào? Trong khi đó, Tòa án đã áp dụng phân loại chủ nợ theo Luật trong suốt quá trình phá sản. Trên thực tế, do việc định giá tài sản đảm bảo không chính xác, nên khi phát mãi tài sản đảm bảo không trả đủ các khoản nợ vay. Do vậy, việc xác định chủ nợ có đảm bảo, đảm bảo một phần, không có đảm bảo tại thời điểm mở thủ tục phá sản là chưa hợp lý. Mặt khác, Luật cũng không quy định về thời gian xử lý các tài sản đảm bảo cho khoản vay của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, dẫn đến thời gian xử lý các tài sản này bị kéo dài, gây thiệt hại cho các chủ nợ là ngân hàng thương mại có đảm bảo. Luật cũng chưa đề cập đến các chủ nợ mới được xuất hiện trên cơ sở các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Vì Luật PS đã thừa nhận sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường nhưng phải chịu sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán. Luật cũng chưa đề cập đến trường hợp doanh nghiệp có các khoản nợ không được đảm bảo bằng tài sản (tín chấp) được thanh toán bằng nguồn nào?

 Thứ tư, vấn đề thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cũng còn nhiều bất cập. Trường hợp bên được bảo lãnh phá sản, bên bảo lãnh thường không đồng ý thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh nếu tài sản của bên được bảo lãnh chưa được xử lý xong. Trong khi đó, thời gian xử lý tài sản của bên được bảo lãnh lại khá dài do phải thực hiện các thủ tục về phá sản. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên nhận bảo lãnh. Trường hợp người bảo lãnh lâm vào tình trạng phá sản thì người được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với người nhận bảo lãnh (khoản 2 Điều 39). Quy định này mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự. Theo Bộ luật Dân sự thì các chủ nợ có đảm bảo được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong mọi trường hợp, chủ nợ có đảm bảo luôn được đảm bảo bằng chính tài sản đảm bảo, nhưng theo khoản 2 Điều 39 Luật PS thì vô hình trung đã biến chủ nợ có đảm bảo bằng biện pháp bảo lãnh thành chủ nợ không có đảm bảo. Đây chính là điều bất hợp lý và không nhất quán giữa Luật PS với các bộ luật khác có nội dung giống nhau.

 Thứ năm, về giao dịch vô hiệu. Luật quy định các giao dịch của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện trong khoảng ba tháng trước ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu (Điều 43). Tuy nhiên, quy định này không thể áp dụng cho các giao dịch tương tự thực hiện trong khoảng thời gian từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản (thời gian là 30 ngày). Luật chỉ nên quy định những giao dịch bị cấm hoặc bị hạn chế sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản.

Vì một số bất cập nêu trên của Luật PS mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, mặc dù đã ngừng hoạt động song không muốn làm đơn xin mở thủ tục phá sản theo Luật, để tránh mất uy tín và những hệ lụy có thể xảy ra, nhất là đối với những người lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước. Để Luật PS thực sự đi vào cuộc sống và phát huy một cách có hiệu quả trong việc xử lý các doanh nghiệp, hợp tác xã rơi vào tình trạng phá sản, chúng ta cần thực hiện các giải pháp sau:

>>> Tham khảo: thành lập nhà hàng Hàn quốc tại Việt Nam

Một là, coi phá sản là hiện tượng kinh tế khách quan trong nền kinh tế thị trường mà hậu quả của nó là sự xung đột lợi ích của các bên tham gia quan hệ kinh doanh. Như vậy, phá sản là hiện tượng bình thường và cần thiết của nền kinh tế thị trường, còn pháp luật phá sản là sự can thiệp có ý thức của Nhà nước vào hiện tượng này, nhằm hạn chế tối đa những hậu quả tiêu cực và khai thác những mặt tích cực. Thông qua pháp luật phá sản, Nhà nước và Tòa án có thể can thiệp vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp một cách đầy đủ, năng động và mềm dẻo. Đồng thời, phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho toàn xã hội để mọi người nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải sống và làm việc theo pháp luật.

Hai là, tổng kết việc thực hiện Luật PS sau gần 20 năm được ban hành (từ năm 1993), rút ra các bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện; điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn, đơn giản về thủ tục pháp lý và đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật về phá sản với các bộ luật khác có cùng nội dung; từ đó giúp cho các danh nghiệp, hợp tác xã tự nguyện làm đơn xin mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp của họ lâm vào tình trạng phá sản. Đồng thời, qua đó Nhà nước cũng đã can thiệp một cách có ý thức vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên có liên quan.

>>> Tham khảo: Thành lập trường mầm non Trung Quốc tại Việt Nam

Ba là, khi đã coi việc phá sản là hiện tượng khách quan của nền kinh tế thị trường, là hiện tượng bình thường trong tiến trình phát triển của nền kinh tế theo hướng hội nhập thì việc thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp, hợp tác xã là cần thiết; loại bỏ các doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn thua lỗ; giảm gánh nặng về tài chính cho ngân sách quốc gia, nhất là đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp sử dụng một phần vốn nhà nước. Luật không nên coi những người điều hành doanh nghiệp bị phá sản giống như “tội phạm’’kinh tế mặc dù họ cũng có một phần trách nhiệm trong việc điều hành để doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Xét cho cùng, việc cho phép thành lập ồ ạt các doanh nghiệp mà không kiểm tra kỹ các điều kiện đảm bảo để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, một phần cũng thuộc về trách nhiệm của cơ quan cho phép thành lập doanh nghiệp.

Bốn là, Luật cần quy định rõ cơ quan có chức năng về tài chính, có kinh nghiệm về tư vấn và xác định giá trị tài sản của Bộ Tài chính tham gia vào việc định giá tài sản đảm bảo; quy định thống nhất phương pháp định giá tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Đồng thời, Luật cũng cần quy định rõ thời gian xử lý các tài sản đảm bảo cho các khoản vay, nợ; nguồn để thanh toán cho các chủ nợ mới xuất hiện sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản; các khoản nợ không được đảm bảo bằng tài sản (tín chấp)… Quy định cụ thể, rõ ràng như như vậy sẽ giúp cho việc xử lý các khoản nợ của doanh nghiệp được nhanh chóng và thống nhất./.

TS. Dương Đức Chính

Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội

- See more at: http://tranhtung.com.vn/luat-pha-san-2004-nhung-bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien_n58273_g735.aspx#sthash.ShP9967m.dpuf

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.