Hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua bán Ngân hàng cổ phần thương mại hiện nay

15 /082016

Hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua bán Ngân hàng cổ phần thương mại hiện nay

Hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua bán ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay

 

LS.THS. PHAN DIÊN VỸ

Nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu khi thị trường tài chính thế giới đang diễn biến xấu nghiêm trọng do khủng hoảng nợ từ khu vực đồng euro cộng thêm chỉ số tín dụng Mỹ rớt hạng, ngày 4/8/2011, Ngân hàng trung ương châu Âu đã tuyên bố sẽ mua lại nợ của các nước châu Âu

Từ 2008 đến nay, việc hàng loạt ngân hàng hàng đầu của Mỹ bị phá sản đã làm cho nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu khi thị trường tài chính thế giới đang diễn biến xấu nghiêm trọng do khủng hoảng nợ từ khu vực đồng euro cộng thêm chỉ số tín dụng Mỹ rớt hạng, ngày 4/8/2011, Ngân hàng trung ương châu Âu đã tuyên bố sẽ mua lại nợ của các nước châu Âu. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa thể dập tắt đám cháy khủng hoảng và khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư. Lãi suất cho vay vẫn tăng liên tục ở Tây Ban Nha đến 6,3%, Ý là 6,2% dù lãi suất chính thức là 2,2%. Sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, nhiều nhà đầu tư lo ngại nguy cơ vỡ nợ từ Ý và Tây Ban Nha sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khủng hoảng; Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc đã phát đi thông điệp kêu gọi hợp tác quốc tế để ngăn chặn khủng hoảng toàn cầu.

>>> Tham khảo: Mở nhà hàng có yếu tố nước ngoài

Trong bối cảnh quốc tế như trên, việc bắt buộc tuân thủ các lộ trình mở của ngành ngân hàng, áp dụng các chuẩn mực quốc tế, tạo nên một môi trường cạnh tranh  đầy đủ và  thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất và mua bán ngân hàng thương mại là yêu cầu cấp thiết của hệ thống ngân hàng Việt nam.

Trong thời gian vừa qua, việc sáp nhập hợp nhất (SN-HN) ngân hàng  tại Việt Nam chủ yếu là thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại nghị định 141/2006 NĐ-CP, thể hiện trên một số mặt sau:

- Các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) bị sáp nhập hợp nhất trở thành chi nhánh của ngân hàng TMCP được sáp nhập. Điển hình như ngân hàng TMCP Đại Nam sáp nhập vào ngân hàng TMCP Phương Nam, ngân hàng TMCP Quảng Ninh sáp nhập vào ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, ngân hàng TMCP Đông Á mua lại ngân hàng TMCP Tứ giác Long Xuyên.

- Quy mô vốn điều lệ của ngân hàng TMCP được sáp nhập, hợp nhất tăng lên bằng vốn điều lệ của hai ngân hàng trước; Bộ máy nhân sự Hội đồng quản trị, Ban điều hành được củng cố kiện toàn và tăng cường nhằm đảm nhận vai trò và sứ mệnh mới với quy mô hoạt động mới.

Những điểm yếu của hệ thống ngân hàng TMCP hiện nay

>>> Tham khảo: Thành lập trung tâm ngoại ngữ tiếng Hàn

Thứ nhất, số lượng lớn so với quy mô của nền kinh tế, vốn điều lệ bình quân thấp. Hiện tại cả nước có 84 ngân hàng thương mại, trong đó 36 ngân hàng TMCP có số vốn điều lệ bình quân rất thấp, vốn điều lệ của ngân hàng nhỏ nhất là 50 triệu USD và lớn nhất chưa đến 1 tỷ USD. Theo nghị định số 141 của Chính phủ vốn, pháp định đến năm 2010 của mỗi NHTM phải đạt tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay 9 ngân hàng TMCP nhỏ chưa đủ vốn pháp định; 
- Thứ hai, phương thức giao dịch chậm được cải tiến, các hình thức dịch vụ thanh toán qua ngân hàng chưa đa dạng, thủ tục cho vay còn rườm rà, nhiêu khê, ngân hàng chưa chủ động tìm khách hàng, chỉ dựa vào lãi suất cho vay là chính mà chưa chú trọng đến viêc tạo tiện ích, cung cấp thông tin hoặc tư vấn miễn phí cho khách hàng; 
Thứ ba, chất lượng tín dụng giảm, nợ quá hạn tăng, thu hồi nợ quá hạn chậm. Hiện nay nợ xấu trong hệ thống ngân hàng VN đang tăng cao trong khoảng 3-7% là một thực tế đáng lo ngại; 
- Thứ tư, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa được chú ý đúng mức. Chưa bổ nhiệm người đúng tiêu chuẩn; chưa đào tạo cán bộ kiểm soát có trình độ tương xứng với nhiệm vụ, chức trách, chưa mạnh dạn đấu tranh với những việc làm sai của Hội đồng quản trị, Ban điều hành; Đội ngũ lãnh đạo còn hạn chế về trình độ tổ chức, công tác chuyên môn, thậm chí còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lũng đoạn, tư lợi cho cá nhân, gia đình, bạn bè mình.

Tình trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu

Một là, nguyên nhân từ môi trường vĩ mô: 
•    Hệ thống luật pháp trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng còn thiếu những quy định quan trọng tạo điều kiện cho ngành ngân hàng phát triển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như: các dịch vụ ngân hàng điện tử, minh bạch thông tin,  phương thức cung cấp dịch vụ ngân hàng qua biên giới… Các văn bản pháp luật liên quan đến  việc xử lý thu hồi vốn do nợ quá hạn trong hoạt động ngân hàng  còn nhiều bất cập, chồng chéo. Thiếu công cụ cưỡng chế hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi của ngân hàng…; 
•    Tình trạng sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn rất cao, hạn chế khả năng kiểm soát hoạt động của các công ty khi cho vay; Đồng thời làm tăng các chi phí in ấn, vận chuyển trong lưu thông, bảo quản và an ninh xã hội; 
•    Chưa có những quy định chặt chẽ và các yêu cầu bắt buộc về minh bạch thông tin trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Những số liệu về nợ xấu, tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng chưa được kiểm tra một cách chặt chẽ; 
•    Sự điều hành của Nhà nước không kịp thời đối với các thị trường có liên quan đến ngân hàng như thị trường chứng khoán; thị trường vàng, thị trường bất động sản gây ra các tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

- Hai là, nguyên nhân từ phía các Ngân hàng thương mại cổ phần: 
•     Sự thành lập ồ ạt các ngân hàng TMCP làm chia cắt thị phần chung của hệ thống ngân hàng. Điều này đi ngược lại với xu thế chung là cần xây dựng những  ngân  hàng trong nước  có  quy  mô  lớn  và   sẵn  sàng  cho  cuộc  cạnh  tranh  với  các ngân hàng nước ngoài. 
•     Tâm lý ngại sáp nhập, hợp nhất, ý thức cá nhân của các chủ ngân hàng còn quá lớn, họ muốn làm chủ một ngân hàng nhỏ nhưng của riêng mình hơn là phải sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác; 
•     Nhiều ngân hàng thương mại vẫn có tâm lý ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước, thiếu năng động trong hoạt động kinh doanh, thiếu chuẩn bị về nhân lực làm hạn chế khả năng mở rộng mạng lưới, thị phần; cơ cấu dịch vụ vẫn nặng về tín dụng; khả năng đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng còn thấp.

Một số giải pháp cấp thiết cho hoạt động sáp nhập hợp nhất và mua bán ngân hàng TMCP

>>> Tham khảo: Thành lập công ty xây dựng hàn quốc tại Việt Nam

Nhóm giải pháp vĩ mô từ phía Nhà nước

- Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng TMCP  trên cơ sở hình thành  những ngân hàng đủ mạnh về tiềm lực tài chính; Xác định việc SN-HN  là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng và phục vụ nền kinh tế một cách tốt nhất trong xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu; 
- Hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, sửa đổi theo hướng phù hợp với các cam kết tự do hóa tài chính mà Việt Nam đã tham gia  ký kết song phương và đa phương trong lộ trình hội nhập kinh tế: Xây dựng các quy phạm pháp luật liên quan đến mua bán, sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng TMCP: xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi và tiền vay ngân hàng trên phương diện được xem như “bà đỡ” cho những ngân hàng yếu kém hoặc có xảy ra rủi ro nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền; 
- Phổ biến kiến thức pháp luật ngân hàng và tiến trình hội nhập tài chính: 
Xây dựng  lộ trình hội nhập cho những cam kết quốc tế đã thực hiện và dự kiến  thực hiện. Phổ biến  tiến trình đó đến các ngân hàng TMCP để thấy được những bước đi cụ thể mà Việt Nam phải thực hiện; đánh giá diễn biến, xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng trên thế giới, trên cở sở đó xây dựng chiến lược tổng thể về cạnh tranh và phát triển cho ngành ngân hàng Việt Nam, chỉ ra những vận hội và thách thức cảnh báo những nguy cơ mà các NHTMCP trong nước cần quan tâm; 
- Minh bạch và công khai thông tin tài chính: 
Xây dựng và ban hành các quy định và chế tài thích hợp yêu cầu các ngân hàng TMCP công bố tài chính một cách trung thực, đầy đủ, chính xác và kịp thời theo các chuẩn mực quốc tế, giảm thiểu sự lệch lạc thông tin về các ngân hàng TMCP. 
- Tăng cường, xây dựng các định chế thanh tra giám sát của Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng TMCP: Đổi mới phương pháp thanh tra, giám sát; Hoàn thiện các công cụ  thanh  tra giám sát phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam,  nâng  cao  trình  độ  và  đạo  đức  của người  làm  công  tác  thanh  tra, có cơ chế giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những cán bộ thanh tra gây phiền hà, sách nhiễu, có động cơ vụ lợi. Hoàn thiện và mở rộng xu hướng thiết lập quan hệ giám sát tài chính quốc tế; Tham gia hệ thống giám sát tài chính chung ASEAN; 
- Ban hành các chính sách khuyến khích các ngân hàng chủ động hợp nhất, sáp nhập thông qua các công cụ như ưu đãi về thuế, hỗ trợ tái cơ cấu vốn thông qua thị trường liên ngân hàng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đồng thời bổ sung những quy định trong Luật cạnh tranh để bảo đảm  môi trường cạnh tranh công bằng; 
  Nhóm giải pháp từ phía các ngân hàng TMCP 
- Tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay: các ngân hàng thương mại cần sử dụng tối đa các khả năng liên kết phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình, trong đó có giải pháp hợp nhất, mua bán, sáp nhập; 
- Tăng cường năng lực quản trị, điều hành, bộ máy kiểm soát từ hội sở đến lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch: tức là sắp xếp, đào tạo lại, đào tạo mới, sử  dụng  nguồn  nhân  lực  một  cách  có  hiệu  quả,  có  chính  sách  đãi  ngộ bổ nhiệm  phù  hợp  và hình thành nên cơ chế tự giám sát hiệu quả, giúp nâng cao công tác quản trị hiện đại trong hoạt động ngân hàng; 
- Phát triển nguồn nhân lực ngân hàng, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế: Nếu công nghệ được xem là yếu tố tạo ra sự đột phá thì nguồn nhân lực được xem là yếu tố nền tảng, tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng; xây dựng vào đào tạo lực lượng cán bộ kế thừa với chiến lược phát triển của ngân hàng hiện đại; 
- Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn liền với phân khúc thị trường: 
Việc đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng nên gắn liền với việc chuyên môn hóa các dịch vụ mà khách hàng của mình sử dụng, tránh việc đầu tư dàn trải; xác định được dịch vụ cốt yếu và tập trung phát triển chất lượng các dịch vụ đó; Việc phát triển các sản phẩm hiện đại chỉ nên được thực hiện một cách từ từ và có chọn lọc. Đồng  thời,  mỗi  ngân  hàng  phải thực hiện  được  phân khúc thị  trường  mục  tiêu  của mình, tránh việc chạy đua cạnh tranh khách hàng một cách thiếu định hướng để tập trung nguồn lực, tiết kiệm chi phí marketing và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng của mình; rút bài học kinh nghiệm điển hình như ngân hàng Nhật Bản MUFG (Mitsubishi UFJ Financial Group). 
-   Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng để phát triển các dịch vụ: 
Việc đổi mới công nghệ nên tập trung vào dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin như hệ thống máy rút tiền tự động (ATM), Internet-banking, mobile-banking, quản lý hệ  thống  dữ  liệu khách hàng; đẩy  nhanh  tốc  độ  phát  triển  của hệ thống  thanh  toán không dùng tiền mặt, đảm bảo tính an toàn và chính xác trong các giao dịch. Cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống. đảm bảo khả năng tiếp thu và quản lý kiểm soát được công nghệ, Đảm bảo tốt công tác an ninh mạng. Tạo và giữ được lòng tin của khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ ngân hàng. 
-  Áp dụng các thông lệ quốc tế về hoạt động kinh doanh ngân hàng:  
Để có thể huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán nước ngoài, các ngân hàng TMCP phải áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế và từng bước thực hiện công khai minh bạch tài chính theo các quy định của thị trường tài chính quốc tế. 
-  Xây dựng thương hiệu: 
Với một  thương  hiệu  mạnh,  ngân  hàng  có  thể  duy  trì  cũng  như phát triển thị phần của mình một cách thuận lợi và vững chắc. Các ngân hàng TMCP cần nhận thức rằng việc xây dựng thương hiệu không phải chỉ qua các hình  thức  quảng  cáo  khuyến  mãi  mà  chính là chất  lượng  dịch  vụ, phong cách phục vụ và uy tín của ngân hàng để từ đó hình thành nên giá trị ngân hàng trong tâm trí khách hàng. 
Những giải pháp đã nêu đòi hỏi phải được triển khai một cách đồng bộ và theo một lộ trình xác định. Điều cần thiết là tự thân các ngân hàng phải đánh giá đúng thực lực của mình, nhìn nhận một cách toàn diện các cơ hội và thách thức, hoạch định cho mình một chiến lược phát triển tương thích dựa trên các lợi thế so sánh, khả năng tiềm lực vốn có và tiềm ẩn để có khả năng cạnh tranh bình đẳng ở môi trường hội nhập kinh tế toàn cầu trong tương lai. 
Như vậy, việc sáp nhập hợp nhất, mua bán ngân hàng TMCP là con đường tất yếu trong lộ trình phát triển ngân hàng Việt Nam hiện tại và tương lai.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ

Trích dẫn từ: http://nhaquanly.vn/Chi-tiet-tin/1730/Hoat-dong-sap-nhap-hop-nhat,-mua-ban-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-hien-nay.html

- See more at: http://tranhtung.com.vn/hoat-dong-sap-nhap-hop-nhat-mua-ban-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-hien-nay_n58294_g735.aspx#sthash.NA3XAAHH.dpuf

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.