ThS. NGUYỄN THỊ THU HÀ (*)
Khái quát về quyền kháng nghị phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát ở một số nước
Quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát ở các nước được quy định rất khác nhau. Ở các nước theo truyền thống luật án lệ (như Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…) xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự và vì tranh chấp, mâu thuẫn dân sự là của các đương sự nên để đảm bảo nguyên tắc “không có lợi ích thì không được quyền kiện dân sự hay kháng cáo”(1) nên việc yêu cầu xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm chỉ dựa trên quyền kháng cáo của đương sự. Thậm chí, các nước này còn cho rằng “trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động càng ít sự can thiệp của công quyền càng tốt”.(2) Do đó, trong tố tụng dân sự ở các nước theo truyền thống luật án lệ, viện công tố (viện kiểm sát)(3) hầu như không tham gia trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự và đương nhiên không có quyền kháng nghị phúc thẩm.
>>> Tham khảo: Tư vấn thành lập văn phòng đại diện
thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Ở các nước theo truyền thống luật dân sự (như Cộng hoà Pháp, Cộng hoà liên bang Nga, Nhật Bản…) với mục đích là để đại diện cho lợi ích chung và bảo vệ trật tự công nên viện kiểm sát có thể tham gia tố tụng với “tư cách là một bên đương sự hoặc với tư cách là người giám sát”.(4) Khi viện kiểm sát tham gia tố tụng với tư cách là một bên đương sự (viện kiểm sát khởi tố vụ án dân sự) thì viện kiểm sát có quyền kháng cáo phúc thẩm bởi lúc này địa vị tố tụng của viện kiểm sát giống như các bên đương sự. Còn trong trường hợp tham gia tố tụng với tư cách người giám sát thì về nguyên tắc viện kiểm sát không thể kháng cáo phúc thẩm, do không có tư cách của các bên trong vụ kiện. Tuy nhiên, viện kiểm sát có thể kháng cáo phúc thẩm nếu có văn bản pháp luật quy định cho phép viện kiểm sát thực hiện quyền này hoặc đối với các vụ kiện liên quan đến trật tự công. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Cộng hoà Pháp, viện công tố có thể tham gia tố tụng dân sự với tư cách là một bên chính tố (tức bên đương sự) hoặc với tư cách là bên phụ tố.(5) Với tư cách là bên chính tố tức là khi viện công tố khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự như yêu cầu tuyên bố một người là mất tích hoặc đã chết, yêu cầu liên quan đến yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, yêu cầu toà án tước quyền của cha mẹ đối với con, yêu cầu toà án chỉ định người quản lí di sản thừa kế (Điều 88, 122, 184, 191, 378-1, 812 Bộ luật dân sự Pháp)…, viện công tố có quyền kháng cáo phúc thẩm. Với tư cách là bên phụ tố tức là khi viện công tố phát biểu quan điểm về việc áp dụng pháp luật trong các vụ việc dân sự mà viện công tố được thông báo như các vụ việc liên quan đến quan hệ cha mẹ và con, tổ chức giám hộ đối với người chưa thành niên, mở thủ tục giám hộ hoặc thay đổi việc giám hộ đối với người thành niên, phá sản doanh nghiệp, thuê khoán sản nghiệp thương mại… (Điều 425, 426, 427 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) Pháp), viện công tố không có quyền kháng cáo phúc thẩm do không phải là một bên trong vụ kiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn, án lệ đã thừa nhận quyền kháng cáo phúc thẩm của viện công tố khi liên quan đến trật tự công. Ngoài ra, viện công tố có thể kháng cáo phúc thẩm với tư cách là bên phụ tố nếu có văn bản quy định cho phép viện công tố thực hiện quyền này. (Điều 1054 BLTTDS Cộng hoà Pháp, Điều 174 Luật số 85-98 ngày 25/1/1985).(6)
>>> Tham khảo: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập công ty hoạt động xuất, nhập khẩu có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Điều 45 BLTTDS Cộng hoà Liên bang Nga, kiểm sát viên tham gia tố tụng dưới hai hình thức: khởi kiện vụ án dân sự hoặc phát biểu kết luận đối với các vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Khi kiểm sát viên khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, của tập hợp người không xác định, lợi ích của Liên bang Nga, chủ thể Liên bang Nga, các tổ chức tự quản địa phương, bảo vệ quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân trong trường hợp công dân đó không thể tự mình khởi kiện vì lí do sức khoẻ, tuổi tác, không có năng lực hành vi hoặc vì những lí do chính đáng khác thì kiểm sát viên có quyền kháng cáo phúc thẩm với tư cách là một bên đương sự. Khi kiểm sát viên tham gia tố tụng và phát biểu kết luận đối với những vụ án liên quan đến việc buộc đi ở nơi khác, yêu cầu khôi phục việc làm, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì kiểm sát viên chỉ có quyền đưa ra văn bản đề nghị toà án xét xử lại vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm (Điều 336 BLTTDS Liên bang Nga).
Sở dĩ các nước có sự khác nhau trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát là do các quốc gia có sự khác nhau về nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, trình độ dân trí, ý thức pháp luật và truyền thống pháp luật. Tuy nhiên, quy định về sự tham gia của viện kiểm sát trong tố tụng dân sự nói chung và quyền kháng nghị phúc thẩm nói riêng ở các nước theo truyền thống pháp luật khác nhau đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Hiện nay, để khắc phục những hạn chế, quy định của pháp luật tố tụng dân sự về quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát ở các nước đang có xu hướng xích lại gần nhau, loại bỏ dần những yếu tố không hợp lí và chấp nhận những ưu điểm của hệ thống pháp luật khác nhau để phát triển.
>>> Tham khảo: Tư vấn luật doanh nghiệp
Thành lập công ty kinh doanh bất động sản có yếu tố nước ngoài
Quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát trong pháp luật Việt Nam
Trước thời kì Pháp thuộc, nhà nước phong kiến Việt Nam đã “thiết lập một hệ thống cơ quan tài phán đa cấp, với sự kiểm soát nghiêm chỉnh các cơ quan xử án theo hệ thống dọc”.(7) Tuy nhiên, do ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng nho giáo Trung Hoa, nguyên tắc tập quyền được áp dụng một cách triệt để nên thời kì đó toà án chưa tách thành hệ thống độc lập, chưa có sự phân biệt giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp, giữa các cơ quan xét xử với cơ quan thực hiện quyền công tố. Vì vậy, trong cổ luật Việt Nam không có quy định về viện kiểm sát.
Dưới thời kì Pháp thuộc, thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kì và áp dụng các bộ luật khác nhau để giải quyết các vụ việc dân sự. Ở Bắc Kì và Trung Kì, các toà án Việt Nam áp dụng Bộ luật dân sự, thương sự tố tụng Bắc Kì (công bố bằng Nghị định ngày 2/12/1921), Bộ luật dân sự, thương sự tố tụng Trung Kì năm 1942. Ở Nam Kì, ba thành phố nhượng địa của Pháp (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) và hai thành phố khác là Nam Định và Vinh, các toà án Pháp áp dụng BLTTDS của Pháp năm 1806 và Bộ luật dân sự tố tụng Nam Kì năm 1910 (tức Nghị định ngày 16/3/1910).
Ở Bắc Kì và Trung Kì, hệ thống tổ chức các toà án Việt Nam thời kì này không khác gì so với trước thời Pháp thuộc, “nguyên tắc phân quyền hành chính và tư pháp, nguyên tắc phân biệt cơ quan truy tố, thẩm cứu và xét xử để ngăn giữ sự độc quyền của thẩm phán… đều không được đem ra thi hành”.(8) Vì vậy, các Bộ luật dân sự, thương sự tố tụng Bắc Kì, Bộ luật dân sự, thương sự tố tụng Trung Kì đều không có quy định nào về quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát.
Quyền kháng cáo phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát do người Pháp du nhập vào Việt Nam áp dụng tại các toà án Pháp. Theo quy định tại Điều 46 Luật tổ chức tư pháp và điều hành công lí của Pháp ngày 20/4/1810 và Điều 13 Nghị định ngày 16/3/1910 thì viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hoặc giám sát việc thi hành pháp luật đối với những trường hợp liên quan đến trật tự công cộng.(9) Như vậy, khi viện kiểm sát khởi tố vụ án dân sự thì viện kiểm sát có quyền kháng cáo phúc thẩm bởi vì họ là nguyên đơn trong vụ án. Tuy vậy, với tư cách là người giám sát việc thi hành pháp luật thì pháp luật lại không quy định viện kiểm sát có quyền kháng cáo phúc thẩm hay không? Trong thực tiễn, án lệ đã thừa nhận quyền kháng cáo phúc thẩm của viện kiểm sát khi liên quan trực tiếp và cốt yếu đến trật tự công cộng (Án lệ Bodin của Phòng dân sự Toà phá án Balê ngày 17/12/1913 tại Sài Gòn).(10)
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, quyền kháng cáo phúc thẩm của viện kiểm sát lần đầu tiên được quy định tại Điều 15 Sắc lệnh số 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng ngày 22/5/1950. Trong tờ trình về Sắc lệnh này đã nêu rõ: “Trái với quan niệm xưa cho rằng việc hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân nên xã hội không cần can thiệp đến, thì nay công tố viện có kháng cáo các án hộ nếu xét thấy cần thiết”.(11)
Ở miền Nam, ngày 16/9/1954, chính quyền Sài Gòn kí kết hiệp định thu hồi hoàn toàn chủ quyền độc lập, quyền kháng cáo phúc thẩm của viện kiểm sát được quy định tại Dụ số 4 ngày 18/10/1949 về tổ chức nền tư pháp Việt Nam. Điều 56 chỉ dụ này (được sửa đổi bằng Dụ số 66 ngày 24/8/1951) quy định: “Trong vụ án, công tố viện hoặc đứng địa vị chánh tố hoặc đứng địa vị phụ tố. Về dân sự, công tố viện sử dụng tố quyền trong những trường hợp do luật minh định. Công tố viện cũng có thể hành động trong những trường hợp liên quan một cách trực tiếp và cốt yếu đến trật tự công cộng. Công tố viện giám sát việc thi hành luật pháp, án văn và đốc thúc sự thi hành đó về những điều khoản có quan hệ đến trật tự công cộng”.(12) Như vậy, với tư cách chánh tố, viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án dân sự và có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Với vai trò phụ tố là đại diện cho xã hội, bảo vệ trật tự công cộng, viện kiểm sát có thể kháng cáo phúc thẩm đối với những vụ án mà viện kiểm sát có quyền khởi tố.(13) Sau đó, quyền kháng cáo phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát tiếp tục được quy định trong Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng ngày 20/12/1972. Có thể nói các quy định trong các văn bản pháp luật do chính quyền Sài Gòn ban hành về quyền kháng cáo phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát chịu ảnh hưởng rất nhiều pháp luật của Pháp. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, những quy định này cũng có những điểm hợp lí để các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo và có thể kế thừa trong quá trình lập pháp.
Ở miền Bắc, để bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, ngày 26/7/1960 viện kiểm sát được thành lập thay cho viện công tố. Quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát được quy định trong Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Theo Điều 17 của Luật này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các viện kiểm sát nhân dân địa phương có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm của toà án nhân dân cùng cấp và dưới một cấp.
Ở miền Nam, sau ngày 30/4/1975, hệ thống viện kiểm sát ở miền Nam mới được thành lập theo Sắc luật số 01/SL-76 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quy định về tổ chức toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Theo Điều 16 của Sắc luật này, viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với các bản án và quyết định của toà án nhân dân thấy cần xem xét lại.
Sau đó, quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát tiếp tục được quy định trong Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1992, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996. So với các quy định trong các văn bản pháp luật được ban hành trước, quyền kháng nghị phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát có điểm khác biệt rất lớn.
Thứ nhất, khi viện kiểm sát được thành lập thay cho viện công tố thì quyền yêu cầu toà án cấp trên xem xét lại vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm của viện kiểm sát được gọi là kháng nghị chứ không gọi là kháng cáo như trước đây. Sở dĩ có thay đổi này bởi lẽ quyền kháng cáo thuộc về những người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lí liên quan đến vụ án. Chỉ có những chủ thể mà quyết định của toà án cấp sơ thẩm làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ và họ cho rằng quyết định của toà án về quyền và nghĩa vụ đối với mình là không thỏa đáng thì họ có quyền kháng cáo đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm. Còn quyền kháng nghị của viện kiểm sát xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát là thay mặt Nhà nước để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, bảo đảm pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Hơn nữa, viện kiểm sát không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án nên việc viện kiểm sát không đồng ý với quyết định giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm không thể gọi là kháng cáo.
Thứ hai, trong mọi trường hợp, khi viện kiểm sát không đồng ý với bản án, quyết định của toà án sơ thẩm thì viện kiểm sát đều có quyền kháng nghị chứ không có bất kì sự hạn chế nào.
Kế thừa các quy định của các văn bản pháp luật trước, Điều 22 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Điều 252 BLTTDS tiếp tục quy định quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát. So với quy định trong các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây, các quy định về quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát trong các văn bản pháp luật này không có gì khác và phạm vi kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát vẫn không bị giới hạn. Trong bất kì trường hợp nào, khi viện kiểm sát không đồng ý với quyết định giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm thì đều có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm kể cả trong trường hợp các đương sự đã hài lòng với bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm và không kháng cáo. Tuy nhiên, điều này có vi phạm đến nguyên tắc quyền tự định đoạt của các đương sự hay không?
Theo chúng tôi, việc quy định quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của viện kiểm sát là cần thiết để bảo đảm pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Hơn nữa, “so với viện công tố các nước, nhiệm vụ và quyền hạn của viện kiểm sát trong tố tụng dân sự ở Việt Nam được quy định rộng hơn nhiều. Ngoài quyền tham gia tố tụng như viện công tố các nước, viện kiểm sát còn được trao thêm thẩm quyền đặc thù của một cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật”.(14)
Một số kiến nghị về quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát
Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự của viện kiểm sát, chúng tôi thấy vẫn còn chưa hợp lí, pháp luật quy định quyền kháng nghị của viện kiểm sát còn quá rộng, chưa thực sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, làm kéo dài quá trình tố tụng cũng như không đảm bảo tính dứt điểm của bản án, quyết định. Do đó, cần phải hạn chế quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát bởi những lí do sau đây:
Thứ nhất, trong tố tụng dân sự, quan hệ lợi ích cần được giải quyết trong các vụ án dân sự là quan hệ giữa các đương sự, do đó để tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự thì việc quyết định phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà án phải do chính các đương sự quyết định chứ không phải là viện kiểm sát, người không có lợi ích nào liên quan đến vụ án. Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp việc giải quyết vụ án của toà án có những sai lầm về nội dung và thủ tục tố tụng nhưng các đương sự đều đồng ý với cách giải quyết đó của toà án cấp sơ thẩm và không kháng cáo thì không có lí gì vụ án đó lại bị xét xử lại bởi kháng nghị của viện kiểm sát. Việc kháng nghị trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến tính dứt điểm của bản án, quyết định.
Thứ hai, việc kháng nghị của viện kiểm sát khi các đương sự không kháng cáo đã phá vỡ nguyên tắc bình đẳng trong tố tụng dân sự bởi lẽ khi viện kiểm sát kháng nghị thì viện kiểm sát phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lí và các lí lẽ, lập luận để chứng minh cho kháng nghị của mình là có căn cứ, hợp pháp và đưa ra hướng giải quyết vụ án. Điều này đương nhiên sẽ dẫn đến việc sẽ có một bên đương sự không đồng ý với ý kiến của kiểm sát viên và họ sẽ trực tiếp tranh luận với kiểm sát viên, thậm chí có thể dẫn đến những xung đột với kiểm sát viên. Như vậy, việc kháng nghị của viện kiểm sát trong trường hợp này không những làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tư pháp mà còn “phá vỡ kết cấu cân bằng trong tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến thẩm phán thực thi độc lập quyền xét xử, làm lẫn lộn giới hạn rõ ràng giữa quyền xét xử và quyền kiểm sát”.(15)
Thứ ba, việc hạn chế quyền kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của thông lệ quốc tế đó là nguyên tắc được quy định trong Điều 10 BLTTDS liên quốc gia của UNIDROIT “giải quyết vụ việc theo yêu cầu của các bên đương sự”.(16)
Với những lí do trên đây, chúng tôi cho rằng phạm vi kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của viện kiểm sát cần phải bị hạn chế nhưng hạn chế quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của viện kiểm sát đến đâu là vấn đề còn có những quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng viện kiểm sát cần kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tất cả các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của toà án nếu phát hiện có vi phạm pháp luật (cả về nội dung và hình thức) vì viện kiểm sát có nhiệm vụ “bảo đảm việc giải quyết các vụ án đúng pháp luật” (Điều 20 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002).(17)
Quan điểm thứ hai cho rằng viện kiểm sát chỉ kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, những bản án, quyết định liên quan đến lợi ích công, liên quan đến người bị tuyên bố là mất tích hoặc đã chết, những vụ án mà viện kiểm sát khởi tố… Đối với những bản án, quyết định khác có thể chưa phù hợp về nội dung nhưng nếu không vi phạm về thủ tục tố tụng thì viện kiểm sát không kháng nghị, nếu cần thiết thì đương sự sẽ kháng cáo nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự.(18)
Quan điểm thứ ba cho rằng viện kiểm sát chỉ kháng nghị phúc thẩm khi phát hiện có sự vi phạm về thủ tục tố tụng để tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự.(19)
Quan điểm thứ tư cho rằng viện kiểm sát chỉ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nếu nó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần còn đối với các trường hợp khác, viện kiểm sát chỉ kháng nghị khi đương sự không phản đối.(20)
Chúng tôi thấy rằng quan điểm thứ nhất là không hợp lí vì viện kiểm sát được kháng nghị trong tất cả các trường hợp đối với bản án, quyết định vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự. Ngoài ra, khi viện kiểm sát kháng nghị nhưng các đương sự đều đồng ý với cách giải quyết của toà án cấp sơ thẩm thì khi được toà án cấp phúc thẩm triệu tập đến tham gia phiên toà họ sẽ không đến, phiên toà phúc thẩm chỉ có thẩm phán và đại diện viện kiểm sát và đương nhiên đương sự sẽ không thi hành theo bản án phúc thẩm. Như vậy thì việc toà án mở phiên toà phúc thẩm sẽ không có ý nghĩa, việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tổn phí một cách không đáng có cho Nhà nước và các đương sự. Trái lại, quan điểm thứ ba lại quá đề cao quyền tự định đoạt của các đương sự nên cũng không hợp lí. Bởi vì, có những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật không có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng lại xâm phạm đến lợi ích của những người không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự hoặc không có khả năng tự bảo vệ mình như người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người bị toà án tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc quyền tự định đoạt của các đương sự có khả năng xâm phạm đến lợi ích công cộng như lĩnh vực môi trường, quyền lợi của người tiêu dùng thì viện kiểm sát lại không thể kháng nghị để bảo vệ thì thật là vô lí.
Quan điểm thứ hai và thứ tư có những nhân tố hợp lí đó là viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nếu nó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người bị toà án tuyên bố mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự bởi đây là những việc có tính chất công và mang ý nghĩa xã hội. Do đó, viện kiểm sát đứng về phía các bên đương sự cần được bảo vệ, có thể kháng nghị phúc thẩm để yêu cầu toà án cấp trên xét xử lại vụ án dân sự khi lợi ích của những người này bị xâm phạm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng viện kiểm sát không cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như quan điểm thứ hai. Bởi vì, có những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như toà án không hoà giải trước khi xét xử sơ thẩm, toà án giải quyết vụ án sai thẩm quyền, thành phần hội đồng xét xử không đúng quy định của pháp luật… nhưng việc giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm vẫn đúng về mặt nội dung hoặc có thể chưa thật đúng về mặt nội dung nhưng các đương sự đều đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm thì viện kiểm sát không nên kháng nghị. Trường hợp này, để tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, viện kiểm sát chỉ kháng nghị khi đương sự không phản đối.
Ngoài ra, viện kiểm sát không nên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nếu nó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước như quan điểm thứ tư. Bởi vì “lợi ích của Nhà nước trong các vụ kiện dân sự giữa các cá nhân là rất nhỏ. Thay vào đó, lợi ích chủ yếu của Nhà nước sẽ phải là cung cấp các phương tiện để có thể giải quyết một cách có hiệu quả, hoà bình và dứt điểm các tranh chấp dân sự và kinh tế giữa các bên đương sự”.(21) Còn trong trường hợp lợi ích nhà nước cần được bảo vệ trong các vụ án dân sự thì đã có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp với tư cách là một bên đương sự và họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, Điều 250 BLTTDS nên quy định theo hướng: “Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nếu nó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người bị toà án tuyên bố mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự. Còn đối với các trường hợp khác, viện trưởng viện kiểm sát chỉ kháng nghị khi đương sự không phản đối”./.
----------------------------------------------
(*) Giảng viên khoa Luật dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội
(1).Xem: Tống Công Cường, Luật tố tụng dân sự Việt Nam - Nghiên cứu so sánh, Nxb. Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2007, tr. 361.
(2).Xem: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cải cách bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng với việc xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của viện kiểm sát nhân dân, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội, 2001.
(3). Thuật ngữ “Viện kiểm sát” hay “Viện công tố” là cách gọi khác nhau về một cơ quan có vị trí độc lập trong bộ máy nhà nước có chức năng thực hành quyền công tố và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Trong bài viết này chúng tôi sử dụng thống nhất thuật ngữ “Viện kiểm sát”.
(4).Xem: TS. Trần Văn Trung, Vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, Tài liệu toạ đàm Dự thảo BLTTDS, Câu lạc bộ luật gia Việt - Đức và Văn phòng Viện Konard Adenauer, tháng 11/2003.
(5).Xem: Nhà pháp luật Việt - Pháp, Tài liệu lớp chuyên đề về nghiệp vụ công tố, ngày 6 và 7/11/2006, Hà Nội.
(6).Xem: Serge Guinchard, Frédérique Ferrand, Procédure civile Droit interne et droit communautaire, Édition Dalloz, 2006, tr. 1177.
(7).Xem: Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam tư pháp sử diễn giảng, quyển thứ hai, Sài Gòn, 1973, tr. 265.
(8).Xem: Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử, Tủ sách đại học, Sài gòn, 1968, tr. 402.
(9).Xem: Lê Tài Triển, Nhiệm vụ của công tố viện, Sài Gòn, 1970, tr. 28, 29, 30.
(10).Xem: Nguyễn Huy Đẩu, Luật dân sự tố tụng Việt nam, Xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ tư pháp, Hà Nội, 1962, tr. 198.
(11).Xem: Bộ tư pháp, Tập luật lệ về tư pháp (theo các văn bản đã công bố đến ngày 10/7/1957), 1957, tr. 10.
(12).Xem: Lê Tài Triển, Sđd, tr. 7, tr. 29.
(13).Xem: Lê Tài Triển, Sđd, tr. 40.
(14).Xem: TS. Trần Văn Trung, “Về việc tham gia phiên toà dân sự của Viện kiểm sát nhân dân”, Tạp chí luật học, Đặc san về BLTTDS, tháng 6/2005, tr. 86.
(15).Xem: Viện khoa học pháp lý - Bộ tư pháp, Một số vấn đề về Luật tố tụng dân sự nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Thông tin khoa học pháp lý năm 2004, tr. 98.
(16).Xem: Star - Vietnam, Bình luận của Star về các quy định liên quan đến thủ tục xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm tại Dự thảo lần thứ 12 BLTTDS năm 2004, tr. 3.
(17).Xem: TS. Trần Văn Trung, Vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, Tlđd.
(18).Xem: TS. Trần Văn Trung, "Một số vấn đề về vị trí, vai trò của viện kiểm sát trong Dự thảo BLTTDS”, Tạp chí toà án nhân dân, số 5/2004, tr. 17.
(19).Xem: Đào Duy Vương, Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Toà án cấp phúc thẩm theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học năm 2007, tr. 110.
(20).Xem: Nguyễn Công Bình, “Nguyên tắc bảo đảm việc xét xử hai cấp trong tố tụng dân sự”, Tạp chí luật học, số 3/1999, tr. 24.
(21).Xem: Star - Vietnam, Tlđd, tr. 7.