Bồi thường thiệt hại do mồ mả bị xâm hại

15 /082016

Bồi thường thiệt hại do mồ mả bị xâm hại

TS. PHÙNG TRUNG TẬP (*)

Mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt hoặc tro hài cốt của cá nhân. Mồ mả của cá nhân gắn liền với nhân thân của người đó. Bảo vệ mồ mả của cá nhân cho dù ở bất kì xã hội nào cũng đều được quan tâm, chú ý theo tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo. Pháp luật của Nhà nước ta luôn có những quy định bảo vệ mồ mả của cá nhân, ngăn chặn, trừng trị người có hành vi cố ý xâm phạm mồ mả của cá nhân. Bộ luật hình sự của Nhà nước ta cũng quy định những biện pháp trừng trị người xâm phạm mồ mả của cá nhân với những tội danh cụ thể.

>>> Tham khảo: đăng ký hoạt động nhà hàng có yếu tố nước ngoài

Bộ luật dân sự năm 2005 là văn bản pháp quy đầu tiên quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại  đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại” (Điều 629).

Quy định trên là phù hợp với đời sống thực tế. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay,  việc mở rộng những khu công nghiệp, khu nhà chung cư, mở rộng đô thị, mở rộng hệ thống đường giao thông, sân bay, bến cảng... là yêu cầu tất yếu. Cùng với việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước có thể xuất hiện những trường hợp chủ thể đầu tư, xây dựng đã vô tình hay hữu ý xâm phạm đến mồ mả của người khác trên phạm vi diện tích đất được cấp quyền sử dụng hoặc có hành vi lấn chiếm, mở rộng diện tích đất đã vi phạm đến địa giới liền kề mà xâm phạm đến mồ mả của người khác. Những trường hợp xâm phạm mồ mả của người khác phát sinh trong đời sống thực tế không phải là cá biệt, hãn hữu mà thậm chí ở nơi này, nơi khác đã xảy ra khá phổ biến. Bồi thường thiệt  hại  do  xâm  phạm  mồ  mả  là trách nhiệm pháp lí đặc biệt vì hành vi xâm phạm mồ mả đồng thời xâm phạm về nhân thân và xâm phạm về tài sản.

Việc làm rõ những quyền nhân thân và quyền tài sản của người bị xâm phạm do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra là việc làm cần thiết và quan trọng. Vì chỉ khi xác định được hành vi xâm phạm mồ mả, các quyền nhân thân và tài sản của người bị xâm phạm thì mới có căn cứ xác định trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm mồ mả. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các khoản bồi thường, mức độ bồi thường thiệt hại của người có hành vi xâm phạm mồ mả phải được xác định trên cơ sở khoa học pháp lí để toà án có căn cứ buộc người có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, bồi thường thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm được xác định dựa trên những yếu tố sau đây:

>>> Tham khảo: thành lập trung tâm ngoại ngữ nước ngoài

Thứ nhất, mồ mả là nơi mai táng thi thể hoặc hài cốt của cá nhân, theo đó mồ mả là quyền nhân thân gắn liền vĩnh viễn với người chết, không thể chuyển dịch và không thể thay đổi được cho người khác. Mồ mả cũng là quyền nhân thân của những người thân thích, người trong dòng tộc của người có mồ mả đó. Tính chất hai mặt của quyền nhân thân liên quan đến mồ mả cũng là đặc điểm khác biệt so với các quyền nhân thân khác của cá nhân khi còn sống, do vậy cần thiết phải làm rõ thuộc tính này để có căn cứ pháp lí khi xác định trách nhiệm dân sự của người xâm phạm mồ mả;

Thứ hai, hành vi xâm phạm mồ mả luôn luôn là hành vi trái pháp luật;

Thứ ba, người được bồi thường thiệt hại là những người thân thích của cá nhân có mồ mả đó;

Thứ tư, thi thể hay hài cốt của cá nhân không phải là tài sản, do vậy hành vi xâm phạm thi thể hay hài cốt của cá nhân không phải là hành vi xâm phạm tài sản mà là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân gắn với thi thể, mồ mả của cá nhân;

Thứ năm, bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thực chất là bồi thường những chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Căn cứ vào những đặc điểm trên, trách nhiệm của người xâm phạm mồ mả là trách nhiệm dân sự và phải thoả mãn các điều kiện sau đây:

>>> Tham khảo: Thành lập công ty xây dựng hàn quốc tại Việt Nam

Thứ nhất, hành vi xâm phạm mồ mả luôn luôn được xác định là hành vi trái pháp luật (pháp luật bảo vệ mồ mả của cá nhân);

Thứ hai, người xâm phạm mồ mả cho dù có lỗi cố ý hoặc vô ý đều phải chịu trách nhiệm dân sự (xét về hậu quả của hành vi xâm phạm mồ mả);

Thứ ba, hành vi xâm phạm mồ mả có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại về tài sản của những người thân thích của cá nhân có mồ mả đồng thời cũng là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả.

Hành vi xâm phạm mồ mả thoả mãn 3 điều kiện trên thì người xâm phạm phải có trách nhiệm dân sự về tài sản và nhân thân đối với những người thân thích của cá nhân có mồ mả.

Hành vi được thể hiện như thế nào là hành vi xâm phạm mồ mả? Giải quyết vấn đề này cần phải xem xét những dấu hiệu sau đây:

Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, theo nghi lễ, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết. Việc xác định hành vi xâm phạm mồ mả là quan trọng vì đó là căn cứ pháp lí để xác  định  có hay không  có  trách  nhiệm dân sự do xâm phạm mồ mả của cá nhân.

Thứ nhất, người có hành vi cho dù với bất kì mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết; xâm phạm tính nguyên dạng của xác, của hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì hành vi đó là hành vi xâm phạm mồ mả;

Thứ hai, người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân  trái  với  ý  chí  của  những  người  than thích của người chết (ngoại trừ trường hợp phải di rời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền);

Thứ ba, người có hành vi thay đổi tấm bia ghi tên hay danh tính của người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ, gây ra sự nhầm lẫn đối với người thân thích của người chết đó;

Thứ tư, người có hành vi san phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ đó.

Hành vi của người xâm phạm mồ mả có một trong các dấu hiệu trên là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Căn cứ vào một trong bốn dấu hiệu trên, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường những chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Khi xác  định  hành  vi xâm  phạm  mồ mả còn cần phải  hiểu  theo nghĩa  rộng,  đó  là  hành  vi  xâm  phạm  đến không gian (phạm vi), hình dáng ngôi mộ, tường rào bao bọc xung quanh ngôi mộ. Bởi vì, vị trí ngôi mộ được xây dựng có mối liên hệ hữu cơ với mục đích giữ gìn, bảo vệ xác, hài cốt, tro hài cốt của người có ngôi mộ đó, do vậy mọi hành  vi làm  biến  dạng những kiến  trúc  liên  quan  đến  mục  đích  bảo  vệ người đã chết được nguyên vẹn, đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả.

Khi xác định hành vi xâm phạm mồ mả, cần phải phân biệt với những hành vi không bị  coi  là  xâm  phạm  mồ  mả  nhưng  thuộc trách  nhiệm  dân sự  khác.  Hành  vi bịa  đặt những giai thoại, tin tức thất thiệt gây tổn hại đến  danh  dự của  người  có  mồ  mả,  tạo  ra những dư luận không có lợi hoặc làm giảm sút uy tín, danh dự của người có mồ mả cũng là hành vi trái pháp luật nhưng không thuộc hành vi xâm phạm mồ mả. Trách nhiệm của người có hành vi xâm phạm mồ mả bao gồm:

-  Người  xâm  phạm  mồ  mả  chịu  trách nhiệm  về  tài  sản:  Thiệt  hại  về  tài  sản  do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra là những chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Tính hợp lí khi xác định thiệt hại về tài sản liên quan đến mồ mả của người bị xâm phạm được xác định trên cơ sở những thiệt hại thực tế. Những thiệt hại về tài sản khi mồ mả bị xâm phạm là những chi phí mua vật liệu xây dựng và những chi phí hợp lí khác cho việc xây dựng mồ mả (chi phí về tiền công xây dựng mồ mả…).  Những vật liệu xây dựng mồ mả thông thường gồm số gạch đất nung, đá nhân tạo, đá tự nhiên, cát, vôi, xi măng, sắt thép, sơn, bia đá, bia đồng, bia xi măng cốt thép, gỗ, tấm lợp, ngói… đã bị người xâm phạm mồ mả gây thiệt hại, xác định được bằng khoản tiền vào thời điểm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại về mồ mả cũng theo nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu thì người gây thiệt hại phải bồi thường bấy nhiêu (Bồi thường toàn bộ thiệt hại). Như vậy, bồi thường thiệt hại về mồ mả (phần tài sản) cũng tuân theo nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do hành vi xâm phạm mồ mả mà gây thiệt hại về tài sản. Những chi phí trả cho thầy bói, cô đồng và những  chi phí  khác liên quan  đến điều cấm của pháp luật như gọi hồn người chết, yểm  bùa,  liên  hoan  nhân  dịp  khánh  thành ngôi mộ được khắc phục lại… thì người xâm phạm mồ mả không phải bồi thường.

Vấn đề thực tế cần phải được giải quyết trong trường hợp có hành vi xâm lấn mồ mả: Hành vi xâm lấn mồ mả của người khác nhưng không gây thiệt hại về vật chất, người có hành vi xâm lấn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không? Hiện nay, pháp luật dân sự và pháp luật đất đai không quy định diện tích đất dành riêng cho một ngôi mộ là bao nhiêu mét vuông mà tuỳ vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Khu nghĩa trang nhân dân được quy hoạch trên diện tích đất thường là xa nơi dân cư để đảm bảo vệ sinh, còn diện tích nghĩa trang đó rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào địa hình, quỹ đất của địa phương dùng vào việc mai táng người của địa phương khi qua đời. Nhưng cũng không ít trường hợp người địa phương bán diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình cho người khác làm địa điểm mai táng. Tại nhiều địa phương vẫn còn thực trạng là không có quy hoạch diện tích đất cụ thể để làm nghĩa địa và trên thực tế vẫn còn những địa phương không mấy quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Tại các khu vực có địa hình phức tạp (trung du, miền núi), thuận lợi cho việc mai táng người chết nhưng chính  quyền  địa  phương  lại  thiếu  sự  quy hoạch  cụ  thể  cho  nên  tình  trạng  mai  táng người  chết  tại địa  phương  không  được  tập trung vào khu vực ổn định nào. Việc mai táng người chết bên dòng suối, dưới khe núi, trên núi,  trong  hang  đá…  thường  được  những người  thân  thích  của  cá  nhân  qua  đời  lựa chọn. Thực trạng này đã gây ra không ít khó khăn trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả mà toà án nhân dân có trách nhiệm phải thực hiện theo chức năng và thẩm quyền. Tính đến thời điểm hiện nay ở nước ta, đồng bào của một số dân tộc thuộc vùng Tây Nguyên như Gia Rai (Gia Lai, Kon Tum), M’Nông (Đắk Lắk), Cơ Tu,  Giẻ  Triêng  (Quảng  Nam,  Đà  Nẵng),(1) vẫn lưu giữ phong tục làm lễ bỏ mả sau một thời gian mai táng người chết (ví dụ: Đồng bào  M’Nông  không  có  tục  cải  táng;  người chết được mai táng sau một năm thì họ làm lễ bỏ mả; đồng bào Gia Rai làm lễ bỏ mả người chết được mai táng sau ba năm hoặc mười năm). Hành vi xâm phạm mồ mả không phụ thuộc vào nghi lễ và phong tục mai táng cá nhân qua đời do vậy hành vi xâm phạm đến những ngôi mộ đã bị bỏ theo phong tục cũng được xác định là hành vi trái pháp luật. Hành vi  vi  phạm  pháp  luật,  trái  đạo  đức  xã  hội không phụ thuộc vào lối sống và phong tục cá biệt của bất kì cộng đồng dân cư nào ở Việt Nam.  Tính đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại thực trạng “lệ làng” và tín  ngưỡng,  tư  tưởng  duy  tâm  của  nhiều người  trong  việc  lựa  chọn  vị  trí  mai  táng người chết. Vị trí mai táng người chết được lựa chọn rất kĩ, cẩn trọng nhưng thiếu cơ sở khoa học, do vậy trong nhiều trường hợp đã có hành vi chiếm đoạt vị trí có mồ mả và diện tích đất thuộc quyền sử dụng của người khác. Những hành vi được tiến hành dựa trên tư tưởng cổ hủ, duy tâm trong việc lựa chọn vị trí chôn cất hài cốt, tro hài cốt của người thân đã không ít trường hợp xâm phạm đến mồ mả của người khác. Niềm tin nội tâm của những người còn sống đã dẫn đến hành vi xâm lấn mồ mả của người khác, để có diện tích mai táng người thân đúng vị trí và theo họ, ngôi mộ được đặt đúng vị trí thì người chết sẽ phù hộ cho con cháu “phát tài”, “phát lộc”, “thăng tiến trên quan trường…”?

Hành vi xâm lấn diện tích đất mồ mả thường gây ra sự mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Theo tác giả bài viết, những tranh chấp về diện tích đất mai táng có thể được giải quyết trên cơ sở thoả thuận và khi có yêu cầu thì chính quyền địa phương có thể áp dụng biện pháp hành chính trong quyền hạn của mình để giải quyết.

-  Người xâm phạm mồ mả chịu trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần: Người xâm phạm mồ mả không những xâm phạm đến quyền nhân thân bất khả chuyển dịch của cá nhân có mồ mả, mà còn xâm phạm đến tinh thần người thân thích của cá nhân có mồ mả. Thi thể hay hài cốt của người chết không phải là tài sản, do vậy người xâm phạm mồ mả của người khác thì ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là những khoản chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại thực tế đã xảy ra theo nguyên  tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra, người xâm phạm mồ mả còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Vì hành vi xâm phạm mồ mả không những gây thiệt hại về phần tài sản như đã xác định trên đây mà còn xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân có mồ mả đó đồng thời cũng gây ra những tổn thất về tinh thần đối với những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Nhận định này được dựa trên những căn cứ sau:

+ Quyền nhân thân gắn liền với mồ mả của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chấm dứt khi người đó chết nhưng quyền nhân thân gắn liền với mồ mả của cá nhân được pháp luật bảo đảm.

+ Những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm được xác định theo quy định của pháp luật dân sự là sự tổn thất về mặt tinh thần. Về người  thân  thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm có được coi tương tự như trong trường hợp thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự không? Điều 611

Bộ luật  dân  sự chỉ quy định  thiệt  hại cho người còn sống mà danh dự, nhân phẩm, uy tín  của  người  đó  bị  xâm  phạm  nhưng  lại không quy định về quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Vấn đề đặt ra ở đây là những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm có được hưởng khoản tiền bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất về tinh thần do mồ mả của cá nhân là người thân thích của họ bị xâm phạm không? Theo quan điểm của tác giả bài viết, trong trường hợp mồ mả của cá nhân do bị đào bới và bị làm tiêu huỷ, giảm sút hài cốt dẫn đến tình trạng  hài  cốt  không   còn  được   giữ nguyên vẹn đã gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần của những thân thích thì người xâm phạm có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Trong trường hợp không thoả thuận được thì cũng áp dụng mức bồi thường tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự. Mồ mả của cá nhân bị xâm phạm, dẫn đến mất mồ mả (không xác định được vị trí của mồ mả) hoặc thi thể, hài cốt của cá nhân bị xâm phạm mà bị tiêu huỷ, bị nhầm lẫn, bị xáo trộn… đã khiến cho những người thân thích đau lòng, tổn thất về tinh thần không phải là nhỏ. Trong đời sống xã hội vẫn còn tồn tại quan niệm truyền thống “sống vì mồ, vì mả không ai sống vì cả bát cơm”, do vậy mồ mả của cá nhân luôn luôn được những người thân thích, đặc biệt lưu tâm bảo quản và giữ gìn. Thành ngữ trên đã phần nào phản ánh tương đối chính xác và tinh tế quan niệm chung  của  những  người  còn  sống,  có  bổn phận đối với những người đã chết trong việc lưu  giữ  và  chăm  nom  mồ  mả  của  những người  thân  thích  như  gìn  giữ  điều  thiêng liêng nhất trong cuộc sống và cũng là quan niệm  về  đạo  đức  trong  nhân  dân.  Vì  vậy, việc áp dụng khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự để buộc người có hành vi xâm phạm mồ mả phải bồi thường  một khoản  tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân  thích  của  cá nhân  có  mồ  mả  bị xâm phạm là hoàn toàn hợp đạo lí.

- Trách nhiệm của người do bị nhầm lẫn mà xâm phạm mồ mả của người khác: Trên thực tế, hành vi nhầm lẫn có thể xảy ra trong trường hợp người ta đào nhầm mồ mả của người khác do thiếu cẩn trọng hoặc xác định sai vị trí mồ mả. Hành vi đào nhầm mồ mả của người khác có phải là hành vi xâm phạm không? Nếu xét theo hình thức lỗi, hành vi đào nhầm mồ mả là hành vi vô ý (do thiếu cẩn trọng mà xác định sai vị trí mồ mả của người thân) mà gây thiệt hại đến mồ mả của người khác. Nếu xét theo hậu quả thì hành vi đào nhầm cũng là hành vi xâm phạm mồ mả.

Hành vi xâm phạm mồ mả cho dù xuất phát  từ lỗi vô ý hay cố ý cũng đều gây ra những thiệt hại nhất định về tài sản và nhân thân hoặc  gây  tổn  thất  về  tinh  thần  của  những người  thân  thích của  người  có mồ mả đó.

Hành vi xâm phạm mồ mả bao giờ cũng làm phát sinh thiệt hại hoặc về vật chất hoặc thiệt hại cả vật chất và tinh thần của người còn sống, người thân thích của người có mồ mả đó. Từ những  nhận  định  trên,  người  xâm phạm mồ mả phải chịu trách nhiệm dân sự trước những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Trách nhiệm dân sự không thay đổi trong mọi trường hợp khi có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác; người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại vật chất và tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm như đã phân tích ở trên.

Xác định trách nhiệm dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác là thật sự cần thiết. Chỉ khi nào xác định rõ hành vi xâm phạm mồ mả và hậu quả của hành vi đó, toà án nhân dân mới có cơ sở pháp lí để xác định người phải bồi thường, người được bồi thường và mức độ bồi thường do có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác. Việc giải quyết triệt để những tranh chấp do hành vi xâm phạm mồ mả của người khác không những bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của những người liên quan mà còn ngăn chặn kịp thời những hành vi cố ý xâm phạm mồ  mả  của  người  khác  để  bảo  đảm  cho những quy định của pháp luật về đối tượng đặc  biệt  này  được  thực  hiện  có  hiệu  quả trong đời sống xã hội hiện đại./.

-----------------------------------------------------------

(*) Giảng viên chính Khoa luật dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội

(1).Xem:  - Viện nghiên cứu văn hoá dân gian, Luật tục M’Nông, Nxb. Chính trị quốc gia, 1998, tr. 15;

- Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam, Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1990, tr. 77, 201.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.